Điện mặt trời mái nhà:
Kinh tế - Ngày đăng : 09:20, 30/12/2020
BT - Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam sẽ hết hiệu lực sau ngày 31/12/2020, đến nay chưa có quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn thực hiện tiếp theo của Bộ Công Thương.
Nguồn năng lượng sạch từ điện mặt trời mái nhà. |
Điện mặt trời mái nhà chỉ hỗ trợ đến 31/12/2020?
Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đã có văn bản cho biết hiện nay Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đang phối hợp đơn vị tư vấn nghiên cứu các mô hình, quy mô, giá mua bán điện tương ứng từng loại hình điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN); dự kiến quý 1/2021 báo cáo Bộ Công Thương xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích ĐMTMN giai đoạn tiếp theo. Do vậy, từ ngày 1/1/2021 trở đi, loại hình và giá mua bán điện đối với ĐMTMN chưa được xác định.
Trong thời gian chờ hướng dẫn của cơ quan thẩm quyền, các tổng công ty điện lực/công ty điện lực thuộc EVN sẽ thực hiện chốt danh sách các hệ thống ĐMTMN (đã hoàn thành lắp đặt toàn phần hoặc một phần hệ thống) vào vận hành thương mại đến thời điểm 24h ngày 31/12/2020. Đối với các hệ thống ĐMTMN vào vận hành một phần hệ thống đến thời điểm 24h ngày 31/12/2020, các công ty điện lực sẽ lập biên bản xác nhận với chủ đầu tư quy mô công suất phần hệ thống đã vào vận hành. Các công ty điện lực sẽ dừng tiếp nhận, giải quyết yêu cầu đấu nối, ký hợp đồng mua bán điện từ hệ thống ĐMTMN phát triển sau ngày 31/12/2020 cho đến khi có hướng dẫn của cơ quan thẩm quyền. Đối với công trình ĐMTMN phát triển sau ngày 31/12/2020, đơn vị điện lực sẽ không ghi nhận điện năng phát lên lưới, không mua điện khi chưa có quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Theo số liệu cập nhật, đến cuối năm nay cả nước có 83.000 công trình ĐMTMN được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt lên tới gần 4.700 MWp. Tổng sản lượng phát điện lên lưới từ ĐMTMN lũy kế đến nay đã đạt hơn 1,13 tỷ kWh, góp phần đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia. EVN cam kết sẽ luôn hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi phát triển năng lượng tái tạo nói chung và ĐMTMN nói riêng theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ.
Bình Thuận có lợi thế đầu tư năng lượng sạch
Tại TP. Phan Thiết nói riêng, Bình Thuận nói chung đặc thù nhiều nắng (tổng số giờ nắng cả năm rất lớn lên đến 2.728 giờ), cường độ bức xạ năng lượng mặt trời lớn nên có tiềm năng phát triển ĐMTMN. Lượng bức xạ tổng cộng thực tế hàng năm 1.961 kWh/m2, trung bình hàng ngày khoảng 3,35 kWh/m2, hơn nữa khu vực này ít chịu ảnh hưởng gió bão nên giúp các tấm pin hoạt động ổn định, hiệu suất cao; tỉnh ta có nhiều tiềm năng, cơ hội đẩy mạnh phát triển điện năng lượng mặt trời đem lại hiệu quả kinh tế cao… Trước đó, Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Chính phủ về giá mua lại điện năng lượng mặt trời có hiệu lực từ ngày 22/5/2020 đã đẩy mạnh nhu cầu lắp đặt điện năng lượng mặt trời nói chung và ĐMTMN nói riêng. Qua đó, ngành điện mua lượng điện dư từ hệ thống ĐMTMN của khách hàng phát lên lưới điện 1.943 VNĐ/kWh (tương đương 8,38 Uscent/kWh, trong thời hạn 20 năm, áp dụng cho các dự án đấu nối, vận hành thương mại đến hết ngày 31/12/2020)… Công ty Điện lực Bình Thuận khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia phát triển ĐMTMN, mở rộng mô hình sử dụng năng lượng tái tạo, góp phần bảo vệ môi trường theo chỉ đạo của Chính phủ. Riêng tại TP. Phan Thiết và huyện Hàm Thuận Nam hiện đã có 650 khách hàng lắp đặt ĐMTMN, không chỉ có điện dùng, nhiều hộ gia đình còn tiết kiệm bán được điện phát lên lưới cho Công ty Điện lực Bình Thuận… Với thuận lợi nắng gió thuận tiện phát triển ĐMTMN của Bình Thuận nói riêng, các tỉnh, thành khác nói chung, thiết nghĩ Chính phủ cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ thích hợp để khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình đầu tư nguồn năng lượng sạch này, góp phần hạn chế tình trạng thiếu điện trong mùa khô.
Thái Khoa