Bình Thuận: 10 sự kiện kinh tế - xã hội năm 2020

Xã hội - Ngày đăng : 11:36, 01/01/2021

Tòa soạn: Năm 2020 vừa khép lại, cùng nhìn lại Bình Thuận năm qua, qua góc nhìn của một nhà báo.

1/ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra từ ngày 13-16/10/2020, với chủ đề “Đoàn kết - Dân chủ - Trí tuệ - Đổi mới - Phát triển”, là một sự kiện chính trị quan trọng có ý nghĩa to lớn đối với Đảng bộ và nhân dân Bình Thuận. Đại hội đã đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển giai đoạn 2020-2025. Đại hội đã bầu 50 đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, đồng chí Dương Văn An được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025; bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII gồm 16 đồng chí.

Quang cảnh Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ảnh: Đ.Hòa

2/ Đồng loạt khởi công 2 dự án đường cao tốc qua Bình Thuận

Sáng 30/9/2020, 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam qua Bình Thuận đồng loạt khởi công, gồm đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây. 2 dự án này có tổng vốn đầu tư trên 23.430 tỷ đồng được Quốc hội quyết định chuyển hình thức đầu tư từ đối tác công-tư (PPP) sang đầu tư công vào tháng 6 và được triển khai “thần tốc” chưa từng có trong lịch sử ngành giao thông - chỉ sau 2 tháng chuẩn bị. Vì ý nghĩa đặc biệt quan trọng của tuyến cao tốc này, Bình Thuận đã dốc toàn lực cho công tác giải phóng mặt bằng, trở thành tỉnh bàn giao mặt bằng nhanh nhất cho dự án xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía đông.

3/ Bình Thuận xuất hiện bệnh nhân 34

Chiều 10/3/2020, Bộ Y tế thông báo 1 bệnh nhân ngụ tại TP. Phan Thiết (Bình Thuận) dương tính với Covid-19. Đây là ca dương tính thứ 34 của Việt Nam, là ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở Bình Thuận. Chỉ ít ngày sau Bình Thuận đã tăng thêm nhiều ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, trở thành một “điểm nóng” toàn quốc trong phòng chống đại dịch Covid-19. Cuộc chiến chống Covid-19 của Bình Thuận bước vào giai đoạn mới, cam go, quyết liệt, khẩn trương, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Nhiều biện pháp quyết liệt được áp dụng đồng loạt: cách ly, phong tỏa, học sinh nghỉ học, hàng quán đóng cửa, giãn cách xã hội, người dân đeo khẩu trang khi ra đường... Đúng 1 tháng sau, ngày 10/4/2020, 2 bệnh nhân cuối cùng (bệnh nhân 36 và 44) trong số 9 bệnh nhân mắc Covid-19 ở Bình Thuận đã được công bố khỏi bệnh sau 1 tháng điều trị. Từ đó đến nay, nhờ các biện pháp quyết liệt kiểm soát tốt dịch Covid- 19, Bình Thuận đã có 8 tháng không có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, tạo điều kiện phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội.

4/ Kinh tế tăng trưởng dương dù ở mức thấp trong 5 năm gần đây

Dù chịu tác động nặng nề, dai dẳng của dịch Covid-19, dự ước tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) năm 2020 do Cục Thống kê Bình Thuận vừa công bố tăng 4,54% so năm trước. Tuy đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 5 năm gần đây, nhưng so với một số tỉnh, thành có mức tăng trưởng âm thì Bình Thuận được đánh giá thành công trong thực hiện mục tiêu kép là chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt công nghiệp - xây dựng tiếp tục giữ đà tăng trưởng cao, tăng 14,36% so năm trước, trong đó ngành sản xuất điện đóng góp lớn, nông, lâm, thủy sản tăng 2,24%...

5/ Mũi Né chính thức trở thành Khu du lịch quốc gia

Nhân kỷ niệm tròn 25 năm Ngày Du lịch Bình Thuận, ngày 24/10/2020 Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức lễ công bố quyết định công nhận Mũi Né là Khu du lịch quốc gia. Theo quy hoạch được Chính phủ phê duyệt, Khu du lịch quốc gia Mũi Né trải dài ven biển từ xã Hòa Phú (huyện Tuy Phong) đến hết ranh giới phường Phú Hài (TP. Phan Thiết), diện tích 14.760 ha, trong đó vùng lõi tập trung phát triển 1.000 ha; phấn đấu đến năm 2030 Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của châu Á -Thái Bình Dương, du lịch Bình Thuận đón khoảng 14 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế 2,5 triệu lượt.

6/ Bình Thuận công bố tình huống khẩn cấp do hạn hán cấp độ 2

Cùng với dịch Covid-19, năm 2020 Bình Thuận phải chống chọi với đợt nắng hạn nghiêm trọng nhất trong 10 năm trở lại đây. Do lượng mưa ít và muộn, sông, suối cạn kiệt, nguồn nước ngầm suy giảm mạnh, giếng khoan, giếng đào trơ đáy, nhiều hồ thủy lợi cạn khô. Nắng nóng kéo dài làm gần 15.000 ha sản xuất nông nghiệp phải cắt giảm, trên 25.000 hộ/ 93.000 khẩu thiếu nước sinh hoạt. Ngày 7/5/2020 Bình Thuận đã phải công bố tình huống khẩn cấp do hạn hán cấp độ 2. Để ứng phó với biến đổi khí hậu, Đại hội XIV Đảng bộ Bình Thuận xác định mục tiêu tiếp tục tranh thủ tối đa các nguồn lực của Trung ương và địa phương để đầu tư phát triển thủy lợi, đến năm 2025 đảm bảo chủ động nguồn nước cho sản xuất, sinh hoạt và dịch vụ của nhân dân.

7/ 1.600 tỷ đồng làm 2 tuyến đường ven biển

Ngày 25/11/2020, Bình Thuận khởi công 2 tuyến đường 719 và 719B, trong đó đường ven biển 719B Phan Thiết - Kê Gà (25 km) vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng, đường 719 Kê Gà - Tân Thiện (32,5 km) vốn đầu tư 600 tỷ đồng. 2 tuyến đường này sẽ đón đầu kết nối với cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết sẽ hoàn thành vào năm 2023, nhằm khai thác quỹ đất ven biển, tạo sức hút phát triển du lịch, kết nối các khu du lịch ven biển phía nam Bình Thuận, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

8/ Biển Bình Thuận thu hút nhiều “đại bàng” FDI

Năm 2020 năng lượng tái tạo tiếp tục “bùng nổ”, với rất nhiều dự án đầu tư, đặc biệt có những dự án FDI quy mô lớn, đầu tư phát triển điện gió ngoài khơi Bình Thuận. Trong 75 dự án năng lượng Bình Thuận vừa đề nghị Bộ Công Thương bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, có 11 dự án điện gió (3 dự án trên đất liền, 8 dự án ngoài khơi) trong đó có 2 dự án FDI là Thăng Long Wind và dự án ngoài khơi La Gàn, công suất 3.400 - 3.500 MW, vốn đầu tư hàng chục tỷ USD mỗi dự án. Điện mặt trời có 62 dự án và 1 dự án điện khí. Bình Thuận phấn đấu trở thành một trung tâm năng lượng quốc gia, trong đó ưu tiên năng lượng tái tạo.

9/ Du lịch “ngủ đông” và... hy vọng

Năm 2020, do đại dịch Covid-19 khách quốc tế đến Việt Nam giảm 80%, khách nội địa giảm 37,6%, ngành du lịch mất 23 tỷ USD. Đối với Bình Thuận, du lịch là ngành kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề, dai dẳng nhất, dự ước cả năm Bình Thuận chỉ đón 3.259.000 lượt khách (giảm 48,57% so năm ngoái) trong đó khách quốc tế có 171.000 lượt (giảm 77,88%). Nhiều ngành - nghề liên quan đến du lịch cũng chịu tác động dây chuyền. Đời sống, việc làm, thu nhập của rất nhiều lao động ngành du lịch rơi vào khó khăn. Sự phục hồi của ngành du lịch trong năm 2021 phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kiểm soát đại dịch Covid-19 ở trong nước và trên thế giới. Bình Thuận đang tích cực chuẩn bị những điều kiện cần thiết, cho sự bật dậy mạnh mẽ của ngành du lịch sau đại dịch.

10/ Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Bình Thuận lần thứ VIII

Ngày 18/9/2020 khai mạc Đại hội thi đua yêu nước lần thứ VIII, giai đoạn 2020 - 2025. 5 năm qua, với tinh thần “Đoàn kết, năng động, sáng tạo, quyết tâm thi đua xây dựng tỉnh Bình Thuận văn minh, giàu đẹp” các phong trào thi đua triển khai sâu rộng, đa dạng cả nội dung, hình thức, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, cán bộ, chiến sĩ tham gia, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng. Tại đại hội này, Chủ tịch UBND tỉnh đã phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2020 - 2025, với khẩu hiệu: “Đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, quyết tâm xây dựng tỉnh Bình Thuận phát triển nhanh, bền vững, văn minh, giàu đẹp, vì hạnh phúc của nhân dân”.

               Đặng Dũng