“Trái ngọt” từ Nghị quyết 05
Chính trị - Ngày đăng : 09:19, 04/01/2021
Từ một nghị quyết
Vào những năm 90 của thế kỷ trước, tình hình dân sinh kinh tế ở các xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, đói giáp hạt thường xuyên xảy ra, giao thông đi lại cách trở. Lực lượng cán bộ, công chức phục vụ tại các xã vùng cao khi ấy, vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về năng lực chuyên môn, cán bộ là người địa phương chiếm số lượng rất ít. Năm 2002, Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành 2 nghị quyết lớn, nhằm quyết tâm thay đổi kinh tế vùng đồng bào và tháo gỡ những khó khăn cho đồng bào vùng cao, vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Đó là Nghị quyết 04 về phát triển toàn diện dân sinh kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và Nghị quyết 05 về xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số và huyện đảo Phú Quý. Theo đó, thực hiện Nghị quyết 04, hơn 50 cán bộ từ các đơn vị đỡ đầu đã được điều động về các xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số để giúp cho bà con trong việc phát triển kinh tế, chuyển đổi cây trồng. Thế nhưng thời điểm này, việc tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước bằng tiếng phổ thông của cán bộ miền xuôi gặp nhiều khó khăn, do đồng bào các xã vùng cao biết và nói được tiếng phổ thông rất ít, nhất là những người lớn tuổi, mà đây lại là lực lượng chính thực hiện công tác chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Ông Nguyễn Sam Tim người dân xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc bồi hồi nhớ lại: “Thời điểm ấy, cán bộ miền xuôi phải sử dụng phương châm là cầm tay chỉ việc, bà con mới tiếp thu. Tuy nhiên, để nắm cặn kẽ tâm tư, nguyện vọng và hiểu được phong tục, tập quán những cán bộ này phải trải qua một thời gian dài”.
Các xã vùng cao được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư
Trước những khó khăn trên, việc đào tạo cán bộ là con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số về phục vụ cho địa phương mình là việc làm cần thiết và cấp bách. Nghị quyết 05 về xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số và huyện đảo Phú Quý đã ra đời trong thời điểm này với mục tiêu đào tạo bồi dưỡng, sắp xếp kiện toàn tổ chức, cán bộ; tăng cường phát triển đảng viên và ban hành chính sách cán bộ dân tộc thiểu số.
Bắt đầu khai giảng khóa đầu tiên từ năm 2003, kết thúc Nghị quyết từ năm 2007, toàn tỉnh có 151 học viên được đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 05. Sau khi ra trường các học viên được Sở Nội vụ bố trí việc làm tại địa phương mình sinh sống. Gần 13 năm công tác, các học sinh là con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đào tạo theo Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy đã giữ các chức danh chủ chốt tại địa phương.
Bắt đầu thu “trái ngọt”
Xã vùng cao La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc có 13 cán bộ, công chức đang công tác được đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy Bình Thuận. Cách đây 13 năm, sau khi hoàn thành các khóa học, các học sinh về địa phương và được bố trí các công việc phù hợp. Nhiệm kỳ 2015 – 2020, anh Xim Miên giữ chức Phó Chủ tịch UBND xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc. Sau đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025, anh Xim Miên được tín nhiệm bầu vào chức danh Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã La Dạ. Để có được tín nhiệm cao, anh Xim Miên đã không ngừng phấn đấu, rèn luyện và nhiều năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. “Tôi học khóa 3, lớp tạo nguồn theo Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy Bình Thuận, thời điểm ra trường tôi được bố trí làm văn phòng Đảng ủy, rồi Bí thư Xã đoàn… Giờ được tín nhiệm ở cương vị này, tôi càng phải nỗ lực hơn nữa để xây dựng quê hương thoát nghèo”, anh Xim Miên - Chủ tịch UBND xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc chia sẻ thêm.
Đại hộiđảng bộ ở các xã vùng cao, miền núi nhiệm kỳ 2020 – 2025 vừa qua, có 6 đồng chí giữ chức vụ Bí thư, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã; 20 đồng chí giữ chức Chủ tịch, Phóchủ tịch HĐND, UBND,mặt trận, đoàn thể xã. Là những người trực tiếp thực thi các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tại các xã thuần và xen ghép, đưa ra các nghị quyết, chương trình hành động, các giải pháp thực hiện của địa phương, đồng thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con mình kiến nghị lên cấp trên. Cán bộ 05 là lực lượng được đào tạo đầy đủ về văn hóa, chính trị và chuyên môn, nhất là ngành nông lâm nghiệp, do đó việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở các xã vùng cao miền núi trong 10 năm qua được đẩy mạnh. Các cán bộ, công chức đến tận vườn, tận rẫy để từng bước hướng dẫn bà con trồng trọt, nhất là các loại cây trồng mới.
Những năm trở lại đây, tình hình dân sinh kinh tế xã hội ở các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chuyển biến rõ nét, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo từng năm. Nếu như năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đến 40% thì nay giảm còn 10%, nhiều địa phương đã hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát. Điện, đường, trường học, trạm y tế được đầu tư khang trang đáp ứng đủ nhu cầu của bà con vùng cao, miền núi. Hệ thống nước sinh hoạt tập trung được kéo đến tận nhà. Phong trào nông thôn mới được triển khai và nhiều địa phương đã đạt 19/19 chỉ tiêu như: xã Phan Hòa, Phan Hiệp, Phan Thanh, các xã vùng cao cũng đã đạt từ 10 - 12 tiêu chí.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy và cố gắng bằng trách nhiệm của mình, hiểu biết của mình để phục vụ cho địa phương tốt hơn, góp phần cùng với địa phương thúc đẩy kinh tế phát triển, ổn định đời sống cho người dân và giảm nghèo một cách bền vững”, ông Mang Nhu - Chủ tịch UBND xã Phan Lâm, huyện Bắc Bình cho biết thêm.
Giữa nắng xuân ấm áp, về các xã vùng cao, miền núi của Bình Thuận mới cảm nhận hết sự đổi thay. Thành quả đó chính là nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực vươn lên của đồng bào và hơn hết đó cũng là nhờ sự góp mặt quan trọng của đội ngũ cán bộ địa phương và gần một nửa trong số đó được đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy Bình Thuận.
Thanh Nhàn