Chậm thi hành án dân sự do đâu?
Pháp luật - Ngày đăng : 09:36, 08/01/2021
Phụ thuộc cơ quan khác
Năm 2020, nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội và đời sống của người dân phải hoạt động cầm chừng, nhất là trong lĩnh vực thi hành án, nên có những vụ việc đã ra quyết định thi hành cưỡng chế nhưng phải dừng lại, dẫn đến kéo dài gây bức xúc cho người dân. Điển hình như vụ tranh chấp tài sản của bà Nguyễn Thị Chín ở phường Mũi Né, TP. Phan Thiết. Sau khi khởi kiện, tòa án 2 cấp chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà, buộc con gái bà là Nguyễn Thị Kim Loan và con rể Nguyễn Duy Phong phải tháo dỡ nhà tiền chế giao lại đất cho bà (vì chưa được phép của bà cho sở hữu tài sản). Bà có đơn yêu cầu Chi cục Thi hành án thành phố thu hồi lại tài sản đúng theo nội dung của bản án. Cuối năm 2018, Chi cục Thi hành án TP. Phan Thiết ra quyết định cưỡng chế buộc bà Loan và ông Phong chuyển giao quyền sử dụng đất cho bà, nhưng cho đến nay vẫn chưa tiến hành cưỡng chế giao tài sản cho bà. Bà Chín cũng như người thân liên quan trong vụ kiện cảm thấy bất an, vì không rõ lý do vì sao việc cưỡng chế kéo dài, mặc dù gia đình có đến Chi cục Thi hành án hỏi nguyên nhân.
Một số vụ cưỡng chế chưa được thi hành do nhiều nguyên nhân
Những bất an của bà Chín cũng như nhiều người khác trong các vụ việc đủ điều kiện cưỡng chế thu hồi tài sản nói chung mà chưa được giải quyết là chính đáng. Ai cũng có thể chia sẻ, cảm thông khi họ phải đi lại gõ cửa cơ quan chức năng, mặc dù sức khỏe yếu như bà Chín. Tuy vậy, chỉ “người ở trong cuộc” mới biết. Chính ngành chức năng có liên quan, không muốn vụ việc kéo dài mà muốn giải quyết sớm, vì không ai muốn bị quy trách nhiệm. Có những vụ việc cơ quan thi hành án muốn thi hành sớm, nhưng vì phụ thuộc vào các cơ quan, đơn vị khác...
Chậm vì… khách quan
Do năm nay có nhiều biến cố thiên tai, dịch Covid-19 và sự kiện có ý nghĩa quan trọng như Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Vì vậy, tất cả các cấp, ngành, địa phương tập trung cho Đại hội Đảng. Đặc thù của ngành thi hành án, hoạt động liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân khác nhau, đến quyền sở hữu tài sản công dân. Vì vậy, phải đi xác minh thực tế và phối hợp với cơ quan có liên quan xây dựng lực lượng giải quyết.
Theo Chi cục Thi hành án TP. Phan Thiết, hiện nay có những vụ lẽ ra đã thi hành xong, nhưng phụ thuộc vào các cơ quan khác. Vì khi thi hành một vụ cưỡng chế phải có lực lượng công an bảo vệ an ninh trật tự, nhưng nếu thiếu thì không thể làm, nhất là những vụ việc có tính chất phức tạp. Hiện thời điểm này đang chuẩn bị Tết Nguyên đán Tân Sửu, nếu có triển khai thi hành thì cũng phải để đến sau tết.
Đó là những khó khăn đòi hỏi ngành thi hành án dân sự phải nỗ lực, khắc phục những khó khăn, phối hợp tốt với các ngành liên quan, để hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra trong năm mới.
Theo báo cáo kết quả công tác thi hành án dân sự năm 2020 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh, từ tháng 10/2019 đến hết 30/9/2020, các cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với 142 trường hợp, tăng 9 trường hợp. Trong đó 15 trường hợp đương sự tự nguyện thi hành án, 127 trường hợp phải tổ chức cưỡng chế. 85/127 vụ việc cưỡng chế có huy động lực lượng liên ngành. |
Ninh Chinh