Cây mận của ngoại
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 09:51, 08/01/2021
Tôi nhớ những ngày mình còn bé xíu, cậu Lim, dì Út và tôi ai cũng mê tít cây mận. Tôi và cậu, dì hay ngồi túm tụm nhau cùng ngẩng đầu lên ngắm những chùm hoa nở bung, có khi lại thích lượm hoa bỏ đầy giỏ rồi đem ra bến sông thả tuổi thơ của mình vào đó với bao ước mơ tươi đẹp. Đến mùa mận ra trái lúc lỉu, cậu Lim là người duy nhất thường trèo lên cây hái xuống cho dì Út và tôi. Có hôm hái nhiều quá ăn không hết phải đem sang biếu hàng xóm. Tôi nhớ một lần cậu Lim đi công chuyện với ông ngoại, nhà chỉ còn tôi và dì Út. Lúc đó tôi thèm ăn mận nên đã nói dì trèo lên cây hái, tôi không ngờ lần đó là kỷ niệm nhớ đời của mình. Vì thương cháu, dì Út trèo lên hái rồi ném xuống, tôi đứng dưới chụp. Hậu quả là dì ngã nhào, cũng may chỉ trầy đầu gối và một bên tay phải. Tôi sợ quá, chẳng biết làm sao bèn nhận lỗi với ông bà ngoại là dì Út bị té là do tôi xúi. Ông bà ngoại cưng tôi nhất nhà nên không la rầy nhưng ba mẹ tôi thì khác, họ thẳng thừng đánh mười roi khiến mông tôi ê ẩm suốt buổi chiều hôm đó .Từ đó tôi và dì Út không còn dám trèo lên cây mận nữa, chỉ có hương thơm lành lạnh của những cành hoa mận là ở lại trong tôi cùng những kỷ niệm xinh xinh lấp lánh ấy.
Cùng tuổi thơ với cậu Lim, dì Út và tôi, cây mận như một người bạn. Có lần mẹ tôi thấy thân cây nhiều sâu quá, lá lại rậm rạp nên bảo ông ngoại chặt đi cho rồi. Cậu Lim nghe vậy giận dỗi tuyệt thực hai ngày để giữ cái cây cho bằng được. Thương em trai nên mẹ tôi không nhắc lại chuyện đó nữa. Nhờ vậy mà tuổi thơ của tôi và cậu, dì càng thêm gắn bó hơn. Nhưng từ ngày cậu Lim đi du học, dì Út lấy chồng sang Canada định cư, căn nhà như trống trải hẳn. Chiều nào bà ngoại cũng trầm ngâm nhìn cây mận trước sân, lặng lẽ. Mỗi lần như thế tôi cũng muốn chạy lại an ủi bà, nhưng cứ sợ bà thêm buồn. Vậy là thôi, rốt cuộc hai bà cháu chẳng ai nói với ai điều gì.
Năm ngoái, bà trở bệnh. Dù không ai nói ra nhưng tôi biết người bà muốn gặp nhất là cậu Lim, để trước lúc đi xa bà còn kịp thấy mặt cậu con trai từng là niềm tự hào của cả gia đình. Vậy mà cậu Lim vẫn chưa về. Đôi khi dù biết mình đã trưởng thành rồi, đã biết cuộc sống này không phải cổ tích, nhưng tôi vẫn cứ tin vào một phép màu nào đó sẽ đưa cậu trở về bên cạnh bà ngoại tôi. Vì đó là liều thuốc chữa bệnh tốt nhất, như chiếc lá mận cuối cùng vẫn còn bám lại trên cành để đợi một cơn gió xuân.
Tôi nhớ hôm đó là buổi sáng một ngày giáp tết, ba mẹ tôi có mặt ở nhà ông bà ngoại từ rất sớm. Tôi đi loanh quanh với mấy đứa bạn đến trưa mới về. Đứng ở cổng, tôi lờ mờ nhận ra không khí tết đã về thật rồi. Tiếng trẻ con gọi nhau í ới, tôi ngửi được mùi thơm của bánh mứt, mùi nồng ấm của nhang trầm, mùi béo của bánh chưng chả giò và đặc biệt là hương thơm ngào ngạt từ những cành hoa mận trắng muốt trước hiên nhà. Vừa đặt chân vào cửa, tôi không giấu nổi niềm vui khi nhìn thấy dì Út. Tôi bước vào phòng bà, cậu Lim đang ngồi bên cạnh bà. Tôi cảm nhận rõ trong mắt bà đang lấp lánh niềm vui, như ngày bà nhận được thông báo cậu Lim đi du học. Thay vì xoa đầu đứa cháu gái là tôi thì cậu lại nhét vào tay tôi một trái mận đỏ au để thay lời muốn nói. Hóa ra trong tiềm thức của mình, giống như tôi, như dì Út, cậu vẫn không quên cây mận trước hiên nhà. Lúc đó tôi lại nghĩ về cây mận rõ ràng là mỗi mùa lại rụng lá, tôi nghĩ chúng sẽ đau lắm, những chiếc lá ấy, nhìn những gì đã từng gắn bó thân thuộc với mình vĩnh viễn ra đi. Nhưng cuối cùng tôi nghĩ. Xuân đến rồi hạ, thu, đông… rồi lại xuân. Mọi thứ vẫn tiếp diễn, vẫn trở lại, đẹp đẽ và rạng ngời như chưa bao giờ bị tổn thương.
Cậu Lim và dì Út giờ đã có cuộc sống riêng, công việc riêng. Và giờ đây tôi cũng không còn đi tìm cái tết trong những năm tháng đã qua mà khi xa rồi người ta gọi nó bằng cái tên “tết xưa”. Với tôi tết là ngày đoàn viên, chẳng có tình cảm nào ấm áp hơn khi chúng ta sống cùng nhau dưới một mái nhà, luôn tràn ngập tiếng cười, chạy nhảy tung tăng như trẻ thơ và không biết đến sự chia ly là gì. Như cách mà người ta vẫn làm trong mỗi dịp năm cùng tháng tận, tận hưởng một năm mới an vui, một mùa xuân ngọt lành.
Phong Lin