Hàm Thuận Bắc: Gắn kết phát triển các sản phẩm nông nghiệp

Kinh tế - Ngày đăng : 09:03, 14/01/2021

BT- Là 1 trong những vùng trồng thanh long lớn của tỉnh, những năm gần đây UBND huyện Hàm Thuận Bắc đã triển khai xây dựng các chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã (HTX) và gắn kết phát triển các sản phẩm nông nghiệp lợi thế, đặc biệt là cây thanh long. Nhờ đó, nông dân trồng thanh long trong huyện và các HTX nông nghiệp đã có nhiều hướng đi mới, nâng cao giá trị sản phẩm. 
                
   Xây dựng chuỗi liên kết để nâng cao giá    trị trái thanh long.

Xây dựng chuỗi liên kết

Toàn huyện có 16/17 xã, thị trấn trồng thanh long, trong đó tập trung chủ yếu 14/17 xã, thị trấn (trừ Đa Mi, La Dạ, Đông Giang) với diện tích khoảng 9.000 ha, trong đó có hơn 3.500 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài 16 HTX liên kết sản xuất, tiêu thụ thanh long an toàn với diện tích liên kết khoảng 420 ha, còn có 208 tổ hợp tác sản xuất và nhiều trang trại, doanh nghiệp sản xuất thanh long. Trong đó, HTX Thanh long Thuận Tiến đã có chứng chỉ GlobalGAP ký kết hợp đồng liên kết ổn định với các doanh nghiệp trong nước để xuất thanh long đi châu Âu 100 tấn/năm. HTX đã đầu tư nhà đóng gói và đang chờ phê duyệt dự án đầu tư kho lạnh và sấy khô thanh long. Song song đó, HTX Thanh long sạch Hòa Lệ cũng liên kết với Công ty TNHH Màu Xanh Vĩnh Cửu xuất hàng đi Mỹ với sản lượng 120 tấn/tháng. Không chỉ vậy, từ tháng 3/2018 đến nay, HTX này đã liên kết với Công ty TNHH Giasaka Nhật Bản tiêu thụ thanh long vào thị trường Nhật với sản lượng 30 tấn/tháng.

Hầu hết các HTX sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đều ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, bảo quản sản phẩm. Hiện nay, có 4 HTX sản xuất thanh long có kho lạnh và hệ thống bảo quản, nhiều hộ trong HTX đã lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, tưới phun, mưa nhỏ giọt… HTX Thanh long Hàm Đức đã đầu tư hệ thống lên men, sản xuất rượu vang thanh long, đang chờ phê duyệt mở rộng nhà xưởng, hệ thống sấy dẻo thanh long. Thực hiện chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP), huyện đã hỗ trợ 7 HTX triển khai đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cho 13 sản phẩm đạt từ 3 – 4 sao cấp huyện cho sản phẩm thanh long và rau các loại. Những sản phẩm này đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Nâng cao chất lượng hoạt động HTX

Ngoài ra, huyện đã triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể. Từ năm 2018 đến nay, UBND huyện đã phân bổ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới cho các xã để hỗ trợ các HTX thực hiện liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ hàng trăm triệu đồng. Đồng thời, tranh thủ sự hỗ trợ từ dự án QSEP nhiều tỷ đồng đầu tư nhà đóng gói, kho lạnh, đường giao thông… cho các HTX như HTX Thanh long Phú Hội, HTX Thanh long an toàn Hàm Đức, HTX Thanh long Hồng Sơn…

Theo Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Bắc Nguyễn Ngọc Thạch, tuy đã xây dựng được chuỗi liên kết, sản xuất, tiêu thụ nhưng số lượng HTX tham gia chưa nhiều, sản lượng nông sản tiêu thụ qua liên kết còn hạn chế. Đa số các HTX có quy mô nhỏ, ít thành viên, thiếu vốn, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, dẫn đến nông dân gặp khó khăn trong việc tham gia sản xuất theo quy trình thống nhất. Bên cạnh đó, việc các HTX xây dựng mã QR truy xuất nguồn gốc, đăng ký thương hiệu, sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý… cho sản phẩm còn chậm.

Do đó, thời gian tới, UBND huyện sẽ rà soát, nâng cao chất lượng hoạt động, thành lập mới HTX nông nghiệp, chú trọng việc gắn kết phát triển các sản phẩm nông nghiệp lợi thế với các loại hình dịch vụ như: chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp, xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, tìm kiếm thị trường… Ngoài ra thực hiện lồng ghép nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế ở địa phương; thực hiện tốt đề án mỗi xã 1 sản phẩm. Đặc biệt, quản lý, phát huy hiệu quả các nhà đóng gói, kho lạnh thanh long do dự án QSEP tài trợ, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, giúp loại hình kinh tế tập thể mở rộng quy mô sản xuất và phát triển bền vững hơn.

M.Vân