Kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam (25/3): Đào tạo nghề công tác xã hội theo hướng chuyên nghiệp

Xã hội - Ngày đăng : 08:57, 22/03/2018

BT- Với sự quan tâm, tạo điều kiện của tỉnh và các ngành chức năng liên quan, sau 7 năm (2010 - 2017) triển khai Đề án “Phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 – 2020”, (gọi tắt là Đề án 32), đến nay, nghề công tác xã hội (CTXH) đã phát triển và thực sự đi vào cuộc sống, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
                
      
   Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Nguyễn    Thị Phúc thăm người có công được chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ xã    hội tổng hợp tỉnh

Nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên

Theo dự thảo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH), đến thời điểm này, toàn tỉnh có 11 cơ sở trợ giúp xã hội với 190 cán bộ, nhân viên và 1.298 công chức, viên chức, cộng tác viên CTXH, trong đó có 46 cộng tác viên chuyên trách tại 46 xã, phường, thị trấn; 804 cộng tác viên trẻ em ở các thôn, bản, khu phố; 306 thành viên đội CTXH tình nguyện và 142 cán bộ, công chức làm CTXH ở 3 cấp. Hoạt động chủ yếu là tư vấn, trợ giúp các đối tượng xã hội có hoàn cảnh khó khăn, ngăn ngừa các hiện tượng xã hội và rủi ro khác. Chăm sóc, nuôi dưỡng và thực hiện phục hồi chức năng cho các đối tượng đang nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Đồng thời, trợ giúp cho các nhóm đối tượng tiếp cận, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội về y tế, giáo dục, học nghề, tìm việc làm để ổn định cuộc sống. Để phát huy tinh thần trách nhiệm và nâng cao năng lực công tác trong việc chăm sóc, trợ giúp các đối tượng xã hội, thời gian qua, Sở LĐ, TB&XH đã phối hợp mở các lớp Trung cấp nghề CTXH hệ vừa học vừa làm; bồi dưỡng kiến thức nghề CTXH; cử cán bộ của sở đi học thạc sĩ CTXH; cử một số cán bộ và giáo viên Trường Cao đẳngnghề dự lớp giảng viên dạy nghề CTXH do Cục Bảo trợ xã hội phối hợp với Trường Đại học Lao động xã hội tổ chức. Ngoài ra, Sở LĐ, TB&XH còn tổ chức 30 lớp tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng nghề CTXH cho 6.456 lượt cán bộ, công chức, nhân viên, cộng tác viên ở 3 cấp và các cơ sở bảo trợ xã hội trong và ngoài công lập…

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai, thực hiện Đề án 32 vẫn còn tồn tại, hạn chế. Đơn cử, các hoạt động của Đề án 32 chưa được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Công tác đào tạo, bồi dưỡng và hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ về nghề còn gặp khó khăn do phần lớn cán bộ, công chức chưa chủ động sắp xếp thời gian, công việc, ít có điều kiện tham gia các khóa đào tạo với thời gian dài. Đội ngũ cộng tác viên CTXH chuyên trách mới có 46/127 xã, phường, thị trấn ký hợp đồng, đạt 36,2%. Những nơi còn lại do cán bộ thôn, khu phố và các hội đoàn thể kiêm nhiệm nhưng chưa có chế độ chính sách cụ thể cho họ…  

Nghề chuyên nghiệp

Từ nay đến 2020, Sở LĐ, TB&XH phấn đấu tăng 50% đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH trên toàn tỉnh. Song song đó, xây dựng mô hình Trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH tại thành phố, thị xã. Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng về CTXH cho cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên. Để phát huy hiệu quả và bảo đảm cho CTXH trở thành nghề chuyên nghiệp, thời gian tới, Sở LĐ, TB&XH sẽ phối hợp với các sở, ngành, đơn vị và các cơ quan đoàn thể triển khai thực hiện các chính sách pháp luật phát triển nghề CTXH và nghiên cứu phát triển mô hình Trung tâm CTXH cấp tỉnh. Từng bước hình thành và phát triển mạng lưới nhân viên, cộng tác viên CTXH trong hệ thống trường học, bệnh viện, hệ thống tư pháp. Đồng thời, tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý CTXH theo chương trình ngắn hạn và dài hạn; chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng cho số cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên. Song song đó, Trường Cao đẳng nghề Bình Thuận, Trườngtrung cấp nghề kỹ thuật Công đoàn nghiên cứu hoàn thiện chương trình, giáo trình đào tạo hệ trung cấp về CTXH và phương pháp đào tạo mới theo hướng hội nhập quốc tế…

THU HÀ