Tổ phụ nữ chống rác thải nhựa
Xã hội - Ngày đăng : 09:27, 18/01/2021
Đây là những túi chất thải nhựa được các chị em phụ nữ xã Tam Thanh, huyện Phú Quý thu gom dùng để đổi lấy tập vở học sinh, mì tôm, và giỏ đi chợ. Những túi chất thải này sau đó được phân loại và xử lý môi trường triệt để. Việc làm này chỉ trong một thời gian ngắn đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống nhân dân như một bức tranh đẹp. Người người hưởng ứng, nhà nhà tham gia đã tạo nên những con đường sạch sẽ, thông thoáng, đầy hoa khoe sắc.
Xã Tam Thanh, huyện Phú Quý có gần 2.400 hộ chủ yếu hoạt động nghề biển và khai thác dịch vụ hậu cần nghề cá. Đời sống ngày được nâng cao bởi nhiều mô hình với cách làm ăn hiệu quả. Đổi lại sự phát triển đó, địa phương đôi khi còn xuất hiện điểm nóng về môi trường và mất mỹ quan.
Từ mô hình Tổ phụ nữ với môi trường được triển khai một cách mạnh mẽ, đồng bộ thì nhận thức của nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường được nâng cao. Phong trào chống rác thải nhựa, xây dựng đường làng ngõ xóm phát huy hiệu quả và nhân dân đồng tình hưởng ứng. Với cách làm hết sức đơn giản như thế nhưng mỗi ngày mô hình thu gom hơn 90 kg rác thải nhựa để đổi lấy 40 giỏ đi chợ, 8 thùng mì tôm và 100 cuốn vở học sinh. Kinh phí này đều do tổ vận động và quyên góp.
Rác thải nhựa đang là mối hiểm họa của môi trường nên đối với huyện đảo Phú Quý, bốn bề mênh mông sóng nước thì càng được giữ gìn hơn. Nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người mà sẽ đe dọa đến hệ sinh thái của vùng biển xinh đẹp ở đây. Phú Quý đã được công nhận trung tâm du lịch cấp tỉnh nên công tác bảo vệ môi trường và xử lý rác thải và rác thải nhựa cần phải thực hiện quyết liệt và mạnh mẽ hơn. Trong khi nhà máy xử lý rác thải ở huyện đảo chưa được đầu tư xây dựng thì những việc làm nâng cao ý thức cho người dân bảo vệ môi trường là hết sức cần thiết.
Bên cạnh thực hiện tốt Chỉ thị 29 của Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Quý về xây dựng phong trào thi đua Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, gắn với các tiêu chí bảo vệ môi trường thì mô hình này được xem là một điểm nhấn rất ấn tượng, hiệu quả.
Xã Tam Thanh giờ đây không chỉ đẹp mà còn thân thiện, hữu tình với du khách ghé thăm. Đó chính là nhờ “Mô hình phụ nữ với môi trường” đã góp phần làm thay đổi tư duy và thói quen của người dân trong việc bảo vệ môi trường. Người dân ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường cho biển đảo quê hương ngày càng xanh, sạch, đẹp. Có thể nói, nếu mô hình này được triển khai ở các địa phương ven biển của Bình Thuận sẽ rất thiết thực và ý nghĩa trong việc góp phần xây dựng môi trường biển quê hương.
Bích Dung