Xây dựng Bình Thuận trở thành trung tâm du lịch - thể thao biển: Nỗ lực vươn tầm quốc gia…
Thể thao - Ngày đăng : 10:58, 27/01/2021
Lướt ván buồm - môn thể thao trên biển đặc trưng của Bình Thuận hấp dẫn nhiều du khách. Ảnh: Đ.Hòa |
Đa dạng sản phẩm
Với tiềm năng, lợi thế về cảnh quan lẫn khí hậu vùng biển cực Nam Trung bộ, ngành du lịch Bình Thuận đã có những bước tiến dài, trở thành điểm đến lý tưởng của đông đảo du khách trong, ngoài nước. Theo cùng sự phát triển đó, cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng cao cấp - thể thao giải trí trên địa bàn tỉnh cũng dần được đầu tư hoàn thiện, phát triển đa dạng sản phẩm…
Theo thống kê của ngành du lịch, đến nay Bình Thuận có gần 580 cơ sở lưu trú đang hoạt động kinh doanh với tổng số hơn 16.330 phòng (trong đó gần 100 cơ sở đã xếp hạng sao). Hiện trên địa bàn tỉnh cũng có 60 đơn vị hoạt động kinh doanh lữ hành, gồm 7 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế, 23 doanh nghiệp lữ hành nội địa và 30 chi nhánh văn phòng đại diện, văn phòng du lịch. Song song với đó, nhiều loại hình thể thao mang tính đặc thù, có sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế cũng hình thành. Đặc biệt hoạt động thể thao giải trí trên biển như lướt ván buồm, lướt ván diều, thuyền buồm, cano kéo dù, mô tô nước, dù lượn… diễn ra rất sôi động, góp phần quảng bá hình ảnh đặc trưng của du lịch Bình Thuận ra bên ngoài.
Những năm gần đây, ngành chức năng và các địa phương cũng tích cực tổ chức nhiều giải thể thao trên biển, ven biển nhằm thu hút, tạo không khí sôi động, hấp dẫn du khách. Cụ thể từ năm 2017 - 2020, trên địa bàn tỉnh đã diễn ra 50 giải thể thao biển, bao gồm: 5 giải cấp quốc gia, 1 giải cụm miền Đông Nam bộ, 5 giải cấp tỉnh, 29 giải cấp huyện, 9 giải do doanh nghiệp phối hợp thực hiện và 1 giải tổ chức các hoạt động thể thao biển…
Nỗ lực vươn tầm…
Theo định hướng, Bình Thuận đang nỗ lực xây dựng để trở thành trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia từ tiềm năng, lợi thế của ngành “công nghiệp không khói” và những sản phẩm đặc trưng. Thời gian qua, địa phương còn quan tâm quy hoạch đô thị có tiếp giáp biển, bố trí quỹ đất tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển du lịch - thể thao biển. Hiện tất cả các khu vực ven biển tại Bình Thuận cơ bản đều có quy hoạch xây dựng đô thị, qua đó phục vụ quản lý các hoạt động xây dựng nói chung và hoạt động du lịch - thể thao biển nói riêng.
Chung sức xây dựng Bình Thuận trở thành trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia, ngành giao thông vận tải đã triển khai đầu tư nhiều công trình hạ tầng giao thông. Như thi công hoàn thành và đưa vào khai thác tuyến đường ven biển Hòa Thắng - Hòa Phú, sửa chữa đường ĐT.716 (đoạn từ Phan Thiết đi Mũi Né). Bên cạnh đó, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn Bình Thuận cũng vừa khởi công, với Cảng hàng không Phan Thiết đã hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng toàn bộ sân bay 543 ha và đài dẫn đường xa 2,56 ha. Tiếp đó vào cuối năm 2020, dự án mở rộng đường ĐT.719 và 719B cũng khởi công, thúc đẩy cơ sở hạ tầng du lịch - thể thao biển phía nam Phan Thiết phát triển tương xứng tiềm năng…
Để sớm đưa Bình Thuận trở thành trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa đề nghị UBND tỉnh có chủ trương giao tham mưu, xây dựng kế hoạch thực hiện đề án này trong giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời đề xuất chủ trương tổ chức các sự kiện, hoạt động du lịch - thể thao biển mang tầm khu vực, châu lục, quốc tế cũng như có cơ chế chính sách gọi mời những tập đoàn kinh tế lớn tham gia đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật… nhằm thu hút lượng khách quốc tế đến Bình Thuận.
Đ.QUỐC