Khởi sắc vùng kiệu Sơn Mỹ

Đời sống - Ngày đăng : 14:54, 27/01/2021

BT- Gần tháng giáp chạp, tôi có dịp ghé ngang qua xóm xẩm, thôn 3, Sơn Mỹ, Hàm Tân; xóm bây giờ với những căn nhà vách xây mái ngói khang trang nằm rải rác 2 bên quốc lộ 55, đó là nhờ chủ nhân đã biết tận dụng đất cát xẩm trồng kiệu vào mỗi dịp giáp tết cho thu nhập khá.
                
   Thu hoạch kiệu tết.

Gặp anh Hoàng Kim Đức đã ngoài 50 tuổi trồng kiệu thâm niên ở đây, tiện thể anh dẫn ra thăm ruộng kiệu gần khu vực biển. Chúng tôi men theo con đường đất đỏ ngoằn ngoèo từ ngoài quốc lộ 55 ra nơi sản xuất dài gần 2 cây số, ruộng kiệu xanh tươi, thẳng hàng thẳng lối hiện ra trước mặt. Anh Đức chỉ tay về phía trước bảo rằng: “Đất vườn nhà ít, tôi đã ra đây thuê đất công ty sân gofl ở địa phương trồng kiệu nhiều năm nay. Lúc đầu thuê 3 - 5 sào trồng thử, thấy cây chịu đất, năng suất đạt, tôi thuê tăng dần diện tích lên gần 4 ha mỗi khi vào mùa trồng kiệu tết”. Theo anh Đức, điều thuận lợi là vùng đất cát ẩm ven biển ở đây có độ ẩm khá cao, bởi nằm dọc theo một vài khe, suối nhỏ bên trong với nguồn nước nhỉ trong lành chảy ra; bà con đã tận dụng chắn thành đập nhỏ, lấy nước tưới cho những luống kiệu gặp khi thời tiết khô hanh cuối năm. Trước đó, loại đất cát này được anh đánh tơi xốp, lên thành luống, bón lót vôi, phân chuồng đã ủ hoai; rồi sau đó xuống giống kiệu từng luống và phủ rơm lên bề mặt để giữ độ ẩm và hạn chế các loại cỏ dại phát triển. Sau đó 20 ngày, anh chăm sóc thường xuyên để cây sinh trưởng, như bón các loại phân thuốc thích hợp (kali Phú Mỹ), bơm thuốc diệt cỏ, kết hợp tưới tiêu đều đặn cho kiệu phát triển…

Anh Đức chia sẻ: “Vốn đầu tư cho kiệu khá lớn, bình quân 1 ha gieo trồng 1 - 1,5 tấn giống (30 – 35 triệu đồng) cùng bón phân thuốc đến cuối vụ, tổng chi phí hơn 80 triệu đồng, chưa tính tiền thuê đất (40 triệu đồng/ha). Tôi làm gần 4 ha kiệu, tổng tiền đầu tư hơn 300 triệu đồng cho mỗi vụ. Cũng nhờ tôi và nhiều bà con ở đây hợp đồng với tiểu thương TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… bao tiêu giống, thu mua sản phẩm, bớt phần nào khoản chi phí, không lo đầu ra”. Trong gần 4 tháng cuối năm, anh Đức thường xuyên đi xe máy ra ruộng chăm sóc, giữ gìn từng luống kiệu, để có ruộng kiệu xanh tốt, trải dài, hứa hẹn mùa bội thu…

“Năm nay thời tiết thuận lợi, kiệu lại được mùa được giá như năm rồi, tôi và bà con ở đây đã thu hoạch gần xong mùa kiệu tết, cho thu nhập ổn định; xua đi nỗi lo lắng sau dịch Covid- 19 kéo dài, lo kiệu rớt giá”, anh Đức phấn khởi khoe. Ruộng kiệu của anh cho năng suất 4 tấn củ/ha, tổng sản lượng gần 16 tấn củ. Tiểu thương hợp đồng đưa xe tải ra ruộng thu mua với giá 35.000 - 40.000 đồng/kg, kiệu loại tốt 50.000 đồng/kg; trừ các loại chi phí, hộ gia đình anh Đức có thu nhập hơn 400 triệu đồng/năm…

Ông Mai Quang, Thôn trưởng thôn 3, Sơn Mỹ cho biết thêm: Ngoài anh Đức trong thôn còn có một số hộ khác có kinh nghiệm trồng kiệu, thuê diện tích lớn có thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên như hộ ông Bùi Thanh Phong… Còn phần lớn trên 100 hộ có đất vườn trồng kiệu trong thôn 3 cho thu nhập 80 - 100 triệu đồng trở lên vào mùa thu hoạch này. Theo ông Quang phân tích, những hộ trên đều có đất cát ẩm, có người thuê thêm ít đất để trồng từ 5 sào - 1 ha, dễ dàng kiếm thu nhập như trên (1 sào cho lãi 20 triệu đồng, lợi 2 - 3  lần so trồng các loại cây màu). Tổng số lượng giống kiệu bà con đã gieo trồng 240 tấn trong mùa vụ qua trên diện tích khoảng 160 ha. Đến cuối vụ thu hoạch này sản lượng kiệu trong thôn đạt gần 1.000 tấn củ, hầu hết đã được tiểu thương thu mua tại chỗ chở đi tiêu thụ các chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh), Long Thành (Đồng Nai)…

Đất cát tơi xốp trên vùng đất địa lợi Sơn Mỹ đã cho những củ kiệu to, màu trắng hồng, rất đẹp; làm kiệu tết ăn rất giòn, ngon. Kiệu ở vùng đất này thu hoạch bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Thương lái ở các tỉnh, thành Đông Nam bộ nhiều năm nay rất thích kiệu Sơn Mỹ là vậy; gần 10 năm qua họ sẵn sàng đầu tư giống kiệu tốt cho bà con trồng, đến đầu tháng chạp âm lịch trở đi thì ra tận nơi thu mua sản phẩm theo giá thị trường. Người trồng kiệu ở thôn 3, Sơn Mỹ nhờ thế có khoản thu nhập khá, không chỉ có điều kiện mua sắm dịp Tết Nguyên đán cổ truyền hàng năm mà còn trang trải cho đời sống gia đình, nuôi con cái ăn học, tích lũy xây nhà cửa kiên cố, đẹp đẽ, cũng như góp phần làm đường bê tông xi măng, xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Đây là hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp thổ nhưỡng đất đai ven biển địa phương, đem lại hiệu quả cho người dân từ nhiều năm qua…

Thái Khoa