Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP): Khi chất lượng được công nhận

Đời sống - Ngày đăng : 14:52, 27/01/2021

BT- Các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh trong năm 2020 tập trung vào nhóm ngành thực phẩm, đồ uống và chế biến như nước mắm truyền thống, gạo, thanh long, hạt điều rang muối... Những thương hiệu này đều mang tính đặc trưng của từng địa phương…
                
   Các sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2020.

Vinh dự

Một ngày tháng chạp, không khí rộn ràng, vui tươi chuẩn bị đón xuân tràn ngập ở TP. Phan Thiết. Tại buổi lễ công bố, trao giấy chứng nhận kết quả phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2020,ban tổ chức và các chủ thể OCOP đã phối hợp trưng bày rất nhiều sản phẩm thương hiệu của các địa phương. Khắp mọi nơi, từ Đức Linh, Bắc Bình, Tuy Phong, Phan Thiết… hầu như địa phương nào cũng có sản phẩm được trưng bày đẹp mắt, thu hút sự quan tâm của nhiều người. Lần này, hầu hết trên mỗi bao bì sản phẩm đều được gắn logo “OCOP Bình Thuận”.

Có mặt ở gian hàng trưng bày, ông Nguyễn Anh Đức (HTX Đức Bình, Tánh Linh) nâng niu từng bao gạo hữu cơ Đức Lan, đầy vinh dự và tự hào. Ông Đức cho biết, bản thân rất vui mừng, vì sản phẩm gạo hữu cơ do chính mình dày công làm ra, nay đã được chứng nhận, được người tiêu dùng tin tưởng. Hay như sản phẩm thanh long an toàn của HTXthanh long Thuận Tiến (Hàm Thuận Bắc), khi được dán nhãn OCOP 4 sao, đã thực sự nâng giá trị, chất lượng sản phẩm lên một tầm mới. Không giấu được niềm vui, ông Trần Đình Trung - Giám đốc HTX Thanh long Thuận Tiến chia sẻ: Nhờ sự giúp đỡ của các cấp ngành liên quan nên trong năm qua, HTX đã có cơ hội tìm hiểu và tiếp cận chương trình OCOP. Với sự cố gắng, đến nay sản phẩm thanh long trắng của HTX đã đạt chứng nhận 4 sao và thanh long đỏ đạt chứng nhận 3 sao. Từ những kết quả đạt được, HTX mong muốn ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm. Khi đó, thanh long Thuận Tiến sẽ có mặt trên thị trường toàn quốc, để tiếp cận nhiều hơn với người tiêu dùng. 

Tiền đề xây dựng chuỗi giá trị nông sản

 Ông Ngô Minh Trang - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn đánh giá: Chương trình OCOP ra đời trong bối cảnh cả nước đang chung tay thực hiện Chương trình nông thôn mới, theo đúng chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Đây là một chương trình kinh tế, trong đó nếu làm tốt khâu thương mại sẽ là một giải pháp góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn.

Kết quả, trong năm đầu triển khai OCOP ở Bình Thuận, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp đơn vị tư vấn hỗ trợ 51 chủ thể với 82 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Kết quả, có 30 sản phẩm được chứng nhận 3 sao và 26 sản phẩm 4 sao. Các sản phẩm đạt hạng sao được UBND tỉnh cấp giấy công nhận, được sử dụng tem chứng nhận “OCOP Bình Thuận” theo thứ hạng sao ghi trên bao bì sản phẩm theo đúng quy định.

Với những kết quả bước đầu này, Sở Nông nghiệp và PTNT đánh giá, cần nhận thức đúng về OCOP là chương trình của cộng đồng, nhưng phải có quy trình chặt chẽ. Do đó trong thời gian tới, tỉnh sẽ thực hiện truyền thông, quảng bá, xúc tiến thương mại, hỗ trợ phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 - 4 sao cấp tỉnh. Mục đích, nhằm phát triển đa dạng sản phẩm, mở rộng thị trường, làm tiền đề xây dựng chuỗi giá trị nông sản, hướng tới xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP đạt cấp quốc gia (5 sao).

Rõ ràng, khi chất lượng các sản phẩm đặc trưng của từng địa phương được đánh giá cao và chứng nhận chất lượng, sẽ trở thành động lực để các chủ thể mạnh dạn đầu tư, mở rộng thị trường để đến tay người tiêu dùng. Mặt khác, thông qua việc phát triển sản xuất, thương mại hàng hóa tại địa bàn nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

K.HẰng