LTS: Liên tiếp trong những ngày gần đây, trên cả nước xảy ra các vụ cháy lớn, trong đó có các vụ cháy chung cư gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Tại Bình Thuận, tuy nhà chung cư và nhà cao tầng ít, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro cháy khôn lường.

Xã hội - Ngày đăng : 08:55, 09/04/2018

Hỏa hoạn - nỗi lo thường trực!

Bài 1: Giặc phá không bằng nhà cháy

BT - Vụ cháy chung cư cao cấp Carina Plaza (quận 8 – TP.HCM) vào rạng sáng 23/3, làm 13 người chết, hàng chục người bị thương, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) cho các đô thị trong cả nước. Sau mỗi vụ cháy lớn là những hậu quả đau lòng: người chết, tiền mất, tài sản thành tro..., nhưng xem ra những lời cảnh báo “nhất thủy, nhì hỏa”, mà cổ nhân răn dạy chưa được người dân, doanh nghiệp quan tâm đúng mức. 

         
   

   

      Chung cư Lê Quý Đôn (phường    Phú Thuỷ) đưa vào sử dụng nhiều năm nay.

Lửa tắt… thành tro!

Ngót nghét chưa đến 10 ngày, mà từ Bắc chí Nam trong cả nước liên tục xảy ra hàng loạt vụ cháy diễn biến phức tạp. Kinh hoàng nhất vẫn là trận hỏa hoạn tại chung cư Carina (TP.HCM) khiến 13 người thiệt mạng và vụ cháy rụi chợ Quang (Hà Nội) chiều 31/3. Nhiều vụ cháy dù lớn hay nhỏ, nhưng vẫn để lại nỗi đau lớn lao cho người dân. Ở Bình Thuận, nhắc đến cháy nhà cao tầng, hẳn mọi người không thể quên vụ cháy khách sạn 5 tầng Viễn Châu (xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam). Mặc dù không có người tử vong, nhưng đám cháy bùng phát dữ dội lúc 5 giờ sáng, cũng tại tầng trệt để xe (giống như chung cư Carina), làm khói bốc lên gây ngột ngạt đã khiến nhiều khách hoảng loạn nhảy từ lầu cao thoát thân và bị thương nặng. Vụ cháy làm 8 chiếc xe máy và 1 ô tô ở tầng trệt bị thiêu rụi hoàn toàn. Gần đây nhất là vụ cháy quán cà phê DJ Nhà Đất (đường Võ Văn Kiệt – TP. Phan Thiết) vào cuối năm 2017, cũng khiến nhiều tài sản biến thành tro khi “bà hỏa” ghé thăm.

         
   

      

      Cháy quán cà phê DJ Nhà    đất trên đường Võ Văn Kiệt (Tp.Phan Thiết) cuối năm 2017 gây thiệt    hại nặng nề cho gia chủ.

Sau nhiều vụ cháy là những đau thương, mất mát mà phải nhiều năm sau người trong cuộc mới cảm thấy nguôi ngoai. Có lẽ không riêng gì thành thị, nông thôn mà ở những thành phố lớn, công tác PCCC dường như chưa được người dân, doanh nghiệp coi trọng để bảo vệ tính mạng và tài sản cho chính mình. Thực tế cho thấy nhiều người dân còn lơ là, chủ quan, không coi trọng việc PCCC. Đáng buồn hơn, một bộ phận không nhỏ người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa thực hiện đúng trách nhiệm PCCC theo quy định của pháp luật. Đa số doanh nghiệp chỉ lo sản xuất kinh doanh để tăng lợi nhuận mà không có những biện pháp cần thiết để bảo vệ tài sản,  tính mạng, mặc nhiên coi việc PCCC là của lực lượng công an, lực lượng cảnh sát PCCC… Chính vì thế, ở nhiều cơ sở, địa phương... việc xây dựng, duy trì lực lượng PCCC tại chỗ và trang bị phương tiện cho lực lượng này còn mang tính chiếu lệ, đối phó. Cùng với việc không có cơ chế hoạt động rõ ràng nên chất lượng hoạt động của lực lượng PCCC tại chỗ rất yếu kém. Thực tế, nhiều vụ cháy xảy ra, do không được phát hiện và tổ chức cứu chữa kịp thời đã phát triển thành cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng. Vụ cháy chung cư Carina là một minh chứng cho sự chủ quan, xem thường pháp luật của chủ đầu tư khi hàng loạt sai phạm về quy định PCCC chính thức bị phơi bày sau khi sự cố xảy ra.

“Mất bò mới lo làm chuồng”

    
    Theo Nghị định 52/2012/NĐ-CP,   mức xử phạt đối với hành vi vi phạm về PCCC trong đầu tư, xây dựng chỉ   từ 10 đến 30 triệu đồng - một con số quá nhỏ, không đủ tính răn đe đối   với các chủ đầu tư.

Hàng loạt vi phạm về PCCC tại các chung cư nói riêng và tình trạng vi phạm an toàn cháy, nổ tại các khu dân cư nói chung chưa bao giờ hết “nóng” trong nhiều năm qua, nỗi lo hỏa hoạn luôn thường trực trong cộng đồng dân cư ở một số tòa nhà. Không có nhiều chung cư hiện đại, cao tầng như các thành phố lớn, ở TP. Phan Thiết cũng hiện diện 2 chung cư Phú Thủy (ở phường Phú Thủy) và Văn Thánh 1, 2 ở phường Phú Tài. Hai chung cư này được đưa vào sử dụng hơn chục năm, và theo đánh giá của ngành chức năng thì hệ thống PCCC 2 nơi này khá ổn (!?). Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều người đang sống trong chung cư Văn Thánh, việc bảo vệ thường xuyên hút thuốc, nấu ăn trong hầm giữ xe hàng ngày rất dễ gây cháy nổ và đã góp ý nhiều lần nhưng tình trạng trên vẫn tái diễn. Ngoài ra, nhiều người bắt đầu lo lắng và không biết xử lý tình huống thế nào khi có cháy xảy ra vì chưa hề được tập huấn cũng như không có kỹ năng thoát khỏi đám cháy. Một thực trạng cũng đáng lo ngại là hiện nay trên địa bàn TP. Phan Thiết, La Gi và một số trung tâm huyện có rất nhiều trung tâm karaoke, khu giải trí cao tầng. Trong đó, không ít các trung tâm karaoke được nâng cấp cải tạo từ nhà ở gia đình, ít nhiều ảnh hưởng đến công tác PCCC, cũng như thoát hiểm. Có thể thấy, sau nhiều vụ cháy kinh hoàng, thiệt hại về người và tài sản lớn, người dân lúc ấy mới thức tỉnh, đổ xô đi mua bình chữa cháy, mặt nạ chống độc, thang leo… và nhiệt tình tham gia những buổi tập huấn về PCCC.

Hiện nay, để đầu tư vào hệ thống PCCC ở chung cư cần một khoản chi phí rất lớn, chiếm khoảng 20% tổng vốn đầu tư công trình. Vì lợi ích kinh tế mà rất nhiều doanh nghiệp từ bỏ hạng mục quan trọng này. Có vẻ như họ thà bị phạt chục triệu đồng còn hơn đầu tư cho hệ thống PCCC. Điều này cho thấy, không ít chủ đầu tư vẫn đang coi thường “bà hỏa”, ngang nhiên thi công công trình mà không cần cơ quan chức năng thẩm duyệt về PCCC hoặc hồ sơ thiết kế đã được thẩm duyệt về PCCC một đằng, nhưng khi tiến hành xây dựng lại thực hiện một nẻo. Ngoài ra, việc cấp những loại chứng nhận chưa có sự thống nhất, “mỗi nơi một kiểu”. Chẳng hạn, Cục Giám định cấp chứng nhận về độ chịu lực của công trình, còn cảnh sát PCCC chứng nhận các tiêu chuẩn về PCCC... nên chưa có một đơn vị nào đứng ra làm đầu mối cấp một loại chứng nhận chung để xác nhận công trình đủ các điều kiện an toàn trước khi đưa vào sử dụng.

 Minh Vân - Khánh Chi