Bảo tồn sò lông trên vùng biển Thuận Quý vẫn gặp khó

Kinh tế - Ngày đăng : 09:33, 31/01/2021

BTO- Thuận Quý là xã bãi ngang ven biển thuộc huyện Hàm Thuận Nam có chiều dài bờ biển khoảng 4 km. Vùng biển Thuận Quý là môi trường sống, phát triển của nhiều loài động vật thân mềm, nhất là các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ. Năm 1997, nguồn lợi sò lông ở vùng biển Thuận Quý rất dồi dào với trữ lượng khoảng 1.000 tấn, nhưng đến năm 2014 thì còn rất ít, có nguy cơ cạn kiệt, khiến thu nhập của cộng đồng ngư dân ở đây bị giảm sút nghiêm trọng. Trước thực trạng nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, năm 2015 tỉnh đã triển khai dự án "Xây dựng mô hình thí điểm đồng quản lý sò lông, góp phần quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lợi thủy sản và bảo vệ hệ sinh thái ven biển tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam". Dự án được triển khai trên diện tích khoảng 16 km2 vùng biển ven bờ xã Thuận Quý, có sự tham gia của 50 thành viên là đại diện các hộ ngư dân hành nghề khai thác thủy sản tại địa...
                
      Khai thác sò lông.

Trong năm 2019 và 2020, Hội cộng đồng ngư dân xã Thuận Quý đã tăng cường tuần tra, kiểm tra hoạt động nuôi trồng thủy sản, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trong khu vực được giao quyền quản lý, nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm trong khu vực triển khai dự án. Vì thế, mà việc nuôi, bảo tồn sò lông phát triển thuận lợi và có hiệu quả. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án cũng gặp không ít khó khăn, đó là tình trạng các tàu thuyền nơi khác vào vùng biển Thuận quý khai thác hải sản trái phép khá nhiều; chính quyền địa phương và Hội cộng đồng tuy có nhiều cố gắng tìm các biện pháp bảo vệ, song chưa thực hiện được việc chế tài tàu thuyền vi phạm để xử lý, ngăn chặn; cộng đồng ngư dân mới chủ yếu làm nhiệm vụ theo dõi tình hình vi phạm và kịp thời báo cáo cho cơ quan chức năng phối hợp xử lý. Mặt khác, theo quy định của Luật Thủy sản (sửa đổi) và Nghị định số 26/2019/ NĐ-CP của Chính phủ không quy định việc cấm khai thác sò lông có thời hạn trong năm và không cấm khai thác sò lông nhỏ hơn kích cở quy định như trước đây, nên việc xử lý hành vi vi phạm bảo vệ nguồn lợi thủy sản gặp nhiều khó khăn và trở ngại. Ông Nguyễn Xuân Ánh, ngụ tại xã Thuận Quý chia sẻ: “Dự án nuôi sò lông được triển khai thí điểm nhằm bảo tồn nguồn lợi nhuyển thể trên vùng biển Thuận Quý được đông đảo bà con ngư dân đồng tình, hưởng ứng tham gia. Song, hiện tại thực lực, phương tiện bảo vệ vùng biển của cộng đồng ngư dân còn lạc hậu và nhiều hạn chế nên chưa xử lý được các tàu thuyền vi phạm vùng nuôi, bảo tồn nhuyển thể…”.

Để ngăn chặn có hiệu quả hành vi vi phạm bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong vùng biển có dự án nuôi, bảo tồn sò lông tại vùng biển Thuận Quý, Hội nghề cá tỉnh và UBND huyện Hàm Thuận Nam cần đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản của nhân dân trong khu vực. Đồng thời, phối hợp nghiên cứu các giải pháp, tìm kiếm nguồn đầu tư, hỗ trợ ban đầu các trang thiết bị, phương tiện để giúp ngư dân chủ động triển khai hoạt động bảo vệ nguồn lợi được Nhà nước giao quyền. Mặt khác, phối hợp với lực lượng thanh tra chuyên ngành và lực lượng Biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát vùng biển để phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

 Hồ Nhật