Thiêng liêng như Tết Trường Sa

Chính trị - Ngày đăng : 18:25, 05/02/2021

BTO- Bồng súng đứng canh cột mốc chủ quyền hay căng thẳng theo dõi những con tàu “không mời mà đến”. Quây quần bên đồng đội trước bàn thờ Tổ quốc, hay cùng các em nhỏ vui trò chơi dân gian, trong tim cán bộ chiến sĩ ở 21 đảo, điểm đảo/33 điểm đóng quân thuộc quần đảo Trường Sa đều cảm nhận được được sứ mệnh thiêng liêng của mình được canh chủ quyền biển đảo yên bình cho nhân dân cả nước đón Tết vui xuân.
                
Đảo Trường Sa lớn.

 1. Những ngày cuối cùng của năm cũ, quân dân ở 21 đảo, điểm đảo/33 điểm đóng quân ngoài quần đảo Trường Sa cũng đang làm những công việc cuối cùng để đón Tết Tân Sửu- một cái Tết yên bình của quân dân Trường Sa tận ngàn khơi Tổ quốc.

                
   
Bộ đội đảo Sơn Ca trang trí vườn hoa Đại    tướng Võ Nguyên Giáp.

Sáng 5/2 (tức 24/12 âm lịch), tại các đảo nổi  Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa lớn, cán bộ chiến sĩ đồng loạt tổ chức quét dọn vệ sinh; sơn gốc cây, quét vôi tường mới. Không khí xuân Tân Sửu đã thực sự tràn về trong trái tim những người lính đảo.

                
   
Canh chủ quyền ngày Xuân.

Tại đảo Trường Sa Lớn, sáng 5-2, cán bộ chiến sĩ tổ chức sơn vôi trắng hàng trăm gốc cây phong ba, bàng vuông. Nhiều bức tường trong doanh trại cũng được sơn mới. Trong khi đó tại các phân đội, các chiến sĩ trẻ dọn vệ sinh, kê lại bàn ghế, giường tủ và bắt đầu trang trí bàn thờ Tết. Sĩ quan trẻ -Thiếu tá Hoàng Văn Mãn cho hay, đối với cán bộ chiến sĩ Trường Sa, mùa xuân được đánh dấu bằng chuyến tàu chở hàng quà Tết từ đất liền ra đảo. “Trước Tết 20 ngày, không khí mùa Xuân đã tràn ngập trong tim chúng tôi. Đây là lần đầu tiên tôi đón Tết xa nhà. Nhớ đất liền là điều không tránh khỏi, nhưng tôi luôn cảm giác tự hào vì được thỏa sức trẻ của mình. Những ngày cận Tết Nguyên Đán, niềm vui cứ nhân lên trong lòng. Tuy ở đảo xa nhưng chúng tôi có đầy đủ bánh chưng, kẹo, mứt. Mọi cái đều như ở đất liền. Chỉ khác là không được đi dưới tiết trời se lạnh phút giao thừa đầu năm mới. Mặc dù xa gia đình, người thân, bố, mẹ, vợ, con; nhưng có đồng đội bên mình. Điều tôi cảm thấy thiêng liêng nhất là được canh biển đảo của Tổ quốc để nhân dân cả nước đón Tết yên bình. Với tôi đó là điều hạnh phúc”- Thiếu tá Mãn chia sẻ.

                
   
Chiến sĩ đảo Sơn Ca trong niềm vui đón chào    năm mới.

Tại hòn đảo “xanh, sạch, đẹp, ngọt” nhất quần đảo Trường Sa- đảo Sơn Ca. Cán bộ chiến sĩ ở đây cũng đang rộn ràng đón Tết.Trung tá Nguyễn Như Tuyến, Chính trị viên đảo Sơn Ca cho biết, đảo đang tổ chức dọn vệ sinh môi trường, sơn sửa doanh trại, lau chùi bàn ghế, treo báo tường xuân, trang trí bàn thờ.  “Chúng tôi đang tổ chức cho các chiến sĩ “khéo tay hay làm” đã bắt đầu “trổ tài” gói bánh chưng bánh tét. Tết đối với bộ đội Trường Sa nói chung và đảo Sơn Ca nói riêng, Tết bao giờ cũng đến sớm hơn ở đất liền. Chúng tôi coi việc tổ chức đón Tết cổ truyền cho bộ đội là nhiệm vụ chính trị quan trọng của quí 1-2021”, Trung tá Tuyến cho hay.

                
   
Mứt Tết lên tàu ra đảo Trường Sa.

Hạ sĩ Lô Văn Hưng, chiến sĩ đảo Sơn Ca làn đầu tiên xa đất liền đón Tết ở đảo phấn khởi nói: “Lần đầu tiên đón Tết ở đảo tôi cảm thấy rất thiêng liêng. Trong niềm vui chung cùng cán bộ chiến sĩ, tôi có niềm vui cá nhân là năm xuân này tôi tròn 19 tuổi. Cán bộ chiến sĩ toàn đảo đang thực hiện phong trào “Mừng Xuân, lập công dâng Đảng”. Tết đã về với đảo Sơn Ca rồi”, hạ sĩ Hưng chia sẻ qua điện thoại.

2.Mùa xuân ở Trường Sa là mùa của hương hoa đất trời giao hòa, giữa tình người, tình biển đảo và tình yêu Tổ quốc. Ở nơi xa ấy, chỉ có niềm vui và sự cống hiến thầm lặng, hy sinh của lính đảo hòa vào sóng nước. Nếu trong đất liền gói bánh chưng bằng lá dong hoặc lá chuối thì bộ đội Trường Sa gói bánh chưng bằng lá bàng vuông. Bánh chưng gói lá bàng vuông không chỉ đặc biệt bởi vị chát ngọt của loại lá mà còn mang hương vị mặn mòi của biển, trở thành đặc sản chỉ lính đảo Trường Sa mới có. Trung tá Nguyễn Quốc Tuấn - Chính trị viên phó đảo Song Tử Tây cho biết: “Bây giờ, các đảo đều có lá dong đem từ đất liền ra để gói bánh chưng, nhưng gói bằng lá bàng vuông vẫn cảm thấy đặc biệt hơn. Trong mỗi cái bánh chưng ấy có tinh thần thép của người lính đảo”.

                
   
Chiến sĩ đảo Sơn Ca chào đất liền.

 Đón Tết ở những đảo nổi như: Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết… tuy vất vả nhưng dù sao vẫn còn may mắn hơn so với những đảo chìm với điều kiện thời tiết khắc nghiệt hơn nhiều. Vì điều kiện đảo chật chội, không tổ chức được nhiều hoạt động nên nỗi nhớ Tết đất liền càng trở nên da diết hơn. Đại úy Bùi Thanh Hải, hiện công tác ở đảo Đá Thị vẫn nhớ những kỷ niệm đón Tết ở đảo Núi Le B năm trước. Dù đơn vị và anh em chiến sĩ trên đảo cố gắng tạo không khí và những món ăn mang hương vị Tết nhưng giữa mênh mông biển cả khiến ai cũng nhớ nhà da diết. Anh Hải kể thời khắc giao thừa dù đã cố gắng mạnh mẽ nhưng khi vợ điện ra hỏi thăm anh vẫn không nén được cảm xúc vì nỗi nhớ vợ, con.

                
Gói bánh chưng đón Tết ở đảo Trường Sa lớn.

Tết Tân Sửu đang tràn về quần đảo Trường Sa. Giữa mênh mông biển trời Tổ quốc, trong huyết quản của những người lính đảo đều trào dâng niềm tự hào, xúc động. Tự hào bởi được canh trời, giữ biển cho đất liền vui xuân, tự hào bởi được nhân dân trao gửi niềm tin tuyệt đối. Những ngày này, trái tim của những người lính biển Trường Sa đều hướng về Tổ quốc, về các anh hùng liệt sĩ Trường Sa đã ngã xuống để bảo vệ cột mốc chủ quyền, vì quần đảo thiêng liêng giữa ngàn khơi.

Mai Thắng, Nguyễn Hùng