An toàn thực phẩm ngày Tết và phòng, chống dịch Covid-19

Xã hội - Ngày đăng : 19:38, 05/02/2021

BTO- Tết cổ truyền là ngày mà mọi người trong gia đình, họ hàng, láng giềng quây quần bên nhau quanh mâm cơm, dĩa bánh mứt, ly rượu mừng, bạn bè đồng nghiệp gặp gỡ chúc tụng nhau. Một lượng lớn thực phẩm được tập trung sử dụng trong những ngày Tết, đặc biệt là Tết Tân Sửu diễn ra trong điều kiện dịch Covid-19 .

Tết đến, xuân về là dịp đoàn viên, gia đình sum họp. Bữa ăn ngày Tết vì thế mà cũng no đủ, cầu kỳ hơn so với ngày thường. Bởi vậy mà trước đây người ta thường nói là “Ăn Tết” chứ không phải “Chơi Tết”, đồng thời phải chuẩn bị sao cho ngày Tết “già được bát canh, trẻ có manh áo mới”. Vì vậy, mà yếu tố “ăn” thường đặt nặng hơn so với “chơi” trong những Tết truyền thống.

 Chất lượng cuộc sống ngày một nâng cao, cùng với lối sống hiện đại cũng đã thay đổi phần nào cách ăn của người Việt Nam. Xu hướng đơn giản hóa các món ăn, thời gian chuẩn bị bữa ăn ít hơn, dành thời gian “chơi” nhiều hơn. Bởi vậy, cần phải hài hòa hai yếu tố “ăn” và “chơi” nghĩa là bữa ăn không được xem nhẹ, đặc biệt là những bữa ăn truyền thống phải đầy đủ, ngon miệng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời có thời gian dành cho gia đình, đi chúc Tết, du xuân cùng người thân, bạn bè...

Do vậy, hơn lúc nào hết cần phải thực hiện mọi biện pháp cần thiết để an lòng dân cả vùng dịch và vùng không có dịch; phòng dịch quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả nhưng vẫn phải bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là lo tết cho người dân, cho nên vấn đề cung ứng hàng hóa cũng như bảo đảm cho nhân dân đón tết an toàn, tươi vui là yêu cầu đặt ra đối với các cấp, ngành, địa phương.

Để công tác quản lý an toàn thực phẩm được đảm bảo, ngành Công Thương cùng với các sở, ban, ngành và UBND các địa phương triển khai thực hiện, tập trung vào quản lý, giám sát, kiểm tra sản xuất, kinh doanh thực phẩm tươi sống và một số những mặt hàng đồ khô, đồ ăn sẵn phục vụ tết. Đồng thời, tiếp tục xây dựng kế hoạch, phương hướng thực hiện bảo đảm an toàn thực phẩm dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, gắn với bảo đảm các biện pháp phòng, chống, ngăn chặn, hạn chế tối đa lây lan dịch Covid-19 trong cộng đồng, cũng như các bệnh lây truyền qua thực phẩm.

Bên cạnh đó, kết hợp tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật về an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng đối với việc bảo đảm an toàn thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, không để xảy ra tử vong do ngộ độc thực phẩm dịp Tết. Hoạt động kiểm tra phải bảo đảm tuân thủ tuyệt đối các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. 

Huy động đài phát thanh, truyền hình, báo chí dành nhiều thời gian, thời lượng phát sóng tuyên truyền về an toàn thực phẩm. Đặc biệt, cần huy động sự hưởng ứng tham gia của các tổ chức, cá nhân doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm và các tổ chức, đoàn thể bảo vệ quyền lợi người tiêu dung cùng tham gia vào các hoạt động truyền thông, tuyên truyền đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Tân Sửu và Lễ hội Xuân 2021.

Đồng thời tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử phạt nghiêm các cơ sở cố tình vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm cùng với phòng chống dịch bệnh Covid-19 và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

Thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác với các nguy cơ dịch bệnh; đề cao trách nhiệm người đứng đầu, sẵn sàng ứng phó, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong các tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng.

Tết Tân Sửu 2021 diễn ra trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Do vậy mọi người dân vui xuân, đón Tết nhưng phải nâng cao tinh thần, trách nhiệm phòng chống Covid-19. Thực hiện nghiêm khuyến cáo “5K” của ngành Y tế là: “Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế”của Bộ Y tế để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe cho bản thân, gia đình, người thân và cộng đồng xã hội, để đón một cái Tết Nguyên Đán vui tươi, an toàn, lành mạnh và hạnh phúc.

Dụng Văn Duy