Giới khoa học đau đầu giải mã hiện tượng “sương mù não” ở bệnh nhân Covid-19
Quốc tế - Ngày đăng : 14:33, 04/03/2021
Trong những tháng qua, các bác sĩ và các nhà nghiên cứu đã ghi nhận một số di chứng lâu dài ở những người hồi phục sau khi mắc Covid-19. Một trong những triệu chứng đó, được gọi là "sương mù não" có thể gây nên tình trạng rối loạn, gặp khó khăn trong suy nghĩ và tập trung, mất trí nhớ ngắn hạn và nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến rối loạn tâm thần.
Một nhân viên y tế tại phòng chăm sóc tích cực Covid-19 thuộc Bệnh viện Ruzinov ở Bratislava, Slovakia ngày 24/2/2021. Ảnh: AFP
Trong khi các nhà khoa học không biết chính xác điều gì đã gây nên sương mù não thì họ đang tập trung vào một số giả thuyết. Hầu hết các nhà khoa học tin rằng sương mù não xảy ra trong quá trình các tế bào phản ứng với sự viêm nhiễm.
Một phát hiện quan trọng đã được tìm ra sau khi các nhà nghiên cứu giải phẫu não của các bệnh nhân tử vong vì Covid-19 và thấy rằng, một số tế bào lẽ ra không nên xuất hiện ở đây. Những tế bào lớn, còn được gọi là các megakaryocyte, có lẽ đã chiếm không gian và để lại ít khoảng trống hơn để máu lưu thông tới não.
Hiện tượng này có lẽ đặc biệt xảy ra với bệnh Covid-19, David Nauen, giáo sư tại Trường Y Đại học Johns Hopkins cho hay.
"Với những megakaryocyte trong não chưa từng xuất hiện trước đó này, tôi không thể tìm thấy bất kỳ sự liên hệ nào với những nghiên cứu của tôi trong mùa hè năm ngoái về những megakaryocyte trong các mao quản não. Điều này rất mới với dịch bệnh Covid-19 mà chúng tôi đang nghiên cứu và có thể giúp chúng tôi có bức tranh toàn cảnh hơn về những điều đang diễn ra", chuyên gia Nauen nhận định với ABC News.
Nếu các tế bào lớn này ngăn máu lưu thông tới não, nó sẽ khiến não không đủ oxy và khó có thể hoạt động hết khả năng.
Theo Adrienne A. Boire, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Memorial Sloan Kettering, việc nghiên cứu những người hồi phục sau khi mắc Covid-19 mà không trải qua bất kỳ di chứng nào có thể là chìa khóa để giải mã bí ẩn tại sao một số người có triệu chứng "sương mù não".
"Những bệnh nhân không bị ảnh hưởng này là chìa khóa để hiểu tại sao một số người tránh được "sương mù não" và một số người khác thì không", chuyên gia Boire nhận định.
Kiều Anh/VOV