Hiện trạng dinh dưỡng đất lúa Tánh Linh ra sao?
Kinh tế - Ngày đăng : 09:48, 08/03/2021
Nguy cơ thoái hóa đất nông nghiệp
Huyện Tánh Linh hiện có trên 11.000 ha đất canh tác lúa dọc theo thung lũng sông La Ngà. Đây là vùng đất màu mỡ, được xác định là một trong những vùng trọng điểm lương thực của tỉnh. Tuy nhiên, do tận dụng đất đai quá mức, nên phần lớn đồng ruộng có xu hướng bạc màu dần, đất đang bị thoái hóa. Biểu hiện cụ thể là đất bị chai cứng, độ dày canh tác bị giảm dần, nhiều vi chất cần thiết trong đất đang thiếu nghiêm trọng… Suốt những năm qua, để duy trì năng suất cây trồng, nông dân buộc phải gieo sạ dày và tăng cường phân bón vô cơ. Sâu bệnh từ đó cũng dễ phát sinh, dẫn đến tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, gây tồn dư hóa chất trong sản phẩm, ô nhiễm đất đai và nguồn nước. Ngoài ra, các sinh vật có lợi đều bị tiêu diệt, kéo theo chi phí đầu tư tăng cao, lợi nhuận thu về giảm dần, lâu ngày thói quen ấy trở thành tập quán canh tác, mặc dù đã được khuyến cáo.
Hiện trạng đất lúa tại Tánh Linh
Trước thực trạng trên, huyện Tánh Linh đã có chủ trương hỗ trợ phân bón hữu cơ vi sinh để cải tạo đất. Tuy nhiên, do không xác định được các vi chất cần thiết cần bổ sung cho đất và đặc tính hấp thụ của mỗi loại cây trồng, nên việc bón phân được người dân thực hiện theo cảm tính. Điều này dẫn đến một số vi chất bị thiếu, một số chất quá dư thừa gây lãng phí phân bón, chi phí tăng nhưng hiệu quả không cao. Vì vậy, việc đánh giá lại dinh dưỡng chất đất, phân tích sinh hóa đề xuất công thức bón phân hữu cơ và vô cơ với tỷ lệ hợp lý, phù hợp với từng loại cây trồng trên từng vùng, xứ đồng cụ thể đóng vai trò rất quan trọng trên địa bàn huyện.
Hiện trạng sử dụng phân bón
Ông Võ Văn Ty - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tánh Linh cho biết, thời gian qua huyện đã triển khai thực hiện các đề tài như “Xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng trên đất màu, cây công nghiệp ngắn ngày và đề xuất các biện pháp sử dụng đất trên địa bàn huyện” (đề tài Nông hóa thổ nhưỡng). Qua đó, giúp khoanh vùng cụ thể bản đồ chất đất đến từng xã, thị trấn, xác định tính thích nghi của các loại cây trồng để khoanh vùng sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng linh hoạt trên đất lúa kém hiệu quả. Ngoài ra, huyện thực hiện đề tài “Chuyển đổi cơ cấu sản xuất”, mục tiêu là hướng đến cơ cấu lại mùa vụ sản xuất trên cây lúa vùng ven sông La Ngà, từ đó xác định khung thời vụ sản xuất hiệu quả nhất cho từng khu vực.
Ông Ty nhận định, hiện địa phương đang mong muốn thực hiện thêm đề tài “Đánh giá lại hiện trạng đất lúa trên địa bàn huyện”, là yêu cầu bức thiết để giúp huyện phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Theo đó, dự kiến quy mô thực hiện đề tài gồm 9.000 ha đất lúa, chia làm 2 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 gồm 6.000 ha đất chuyên lúa, trong đó có 3.000 ha lúa chất lượng cao sản xuất theo hướng hữu cơ. Giai đoạn 2 là 3.000 ha đất lúa kém hiệu quả cần chuyển đổi dần sang cây trồng cạn. Thời gian thực hiện từ năm 2021-2022 với kinh phí khoảng 500-600 triệu đồng.
Ông Nguyễn Hữu Phước - Phó Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh cho rằng, khi thực hiện đề tài này, phải điều tra lại hiện trạng sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của nông dân Tánh Linh khi chăm sóc cây trồng trên đất lúa các năm gần đây. Đồng thời, thống kê lại hiện trạng các loại cây trồng trên các xứ đồng ở các vụ để định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp trên đất lúa đến năm 2025, định hướng đến 2030.
Hiện nay, UBND huyện Tánh Linh đã có công văn gửi Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh để xin hỗ trợ kinh phí thực hiện đề tài này, nhằm đi sâu vào phân tích dinh dưỡng đất, hướng đến đề xuất công thức bón phân theo hướng hữu cơ một cách hợp lý, tránh lãng phí phân bón, cải tạo đất. Đồng thời, vẫn đáp ứng được yêu cầu về chất lượng sản phẩm khi liên kết sản xuất và tiêu thụ với các doanh nghiệp…
Kiều Hằng