Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp: Mở rộng liên kết chuỗi giá trị

Kinh tế - Ngày đăng : 09:00, 11/03/2021

BT- Mở rộng thị trường xuất khẩu theo mô hình liên kết chuỗi giá trị hàng hóa để phát huy lợi thế sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đó là một trong những giải pháp được đề xuất về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp thời gian tới…
                
      Sản xuất thanh long GlobalGAP ở Hàm Thuận Nam.

 Nỗ lực

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có trên 33.000 ha thanh long, trong đó 11.400 ha thanh long được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Diện tích thanh long đạt tiêu chuẩn GlobalGAP là 255 ha và một số cơ sở đang triển khai thực hiện sản xuất theo GlobalGAP như Hợp tác xã thanh long Nam Thuận Việt, Trang trại Thuận Quý, Hợp tác xã thanh long GlobalGAP Tân Thuận, Hợp tác xã thanh long GlobalGAP Khu Lê… Ngoài ra, căn cứ biên bản ghi nhớ thỏa thuận giữa UBND tỉnh và Công ty cổ phần Nafoods Group, tỉnh đang phối hợp xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thanh long giai đoạn 1 với quy mô 54,5 ha/10 hộ đã đánh giá chứng nhận GlobalGAP. Đồng thời, triển khai Dự án cấp tỉnh “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng chuỗi liên kết thanh long theo hướng hữu cơ” với quy mô 30 ha do Chi cục Trồng trọt và BVTV thực hiện, dự kiến đến năm 2022 sẽ được cấp giấy chứng nhận hữu cơ…

Những kết quả đạt được đó, dù chưa phải là con số lớn, nhưng đã phần nào thấy được sự nỗ lực của ngành theo đúng định hướng một trong “3 trụ cột”. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, nguyên nhân khách quan là diễn biến khó lường, khắc nghiệt do biến đổi khí hậu toàn cầu, gây khó khăn cho trồng trọt. Ngoài ra, tình hình dịch bệnh trên cây trồng diễn biến phức tạp, đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất nông nghiệp. Một nguyên nhân khác là thị trường nông sản không ổn định, thường xuyên biến động. Đặc biệt từ năm 2020 đến nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá cả và thị trường tiêu thụ nông sản chịu ảnh hưởng nặng nề.

 Tạo sản phẩm chất lượng

Thực tế thời gian qua, một số nông hộ còn chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc sản xuất nông nghiệp an toàn, chưa chủ động trong việc tự áp dụng các biện pháp sản xuất bền vững, tạo sản phẩm an toàn để đủ sức mở rộng, tìm kiếm khách hàng tiềm năng. Việc tiếp cận các mô hình, đặc biệt là các giống mới, các tiến bộ kỹ thuật đối với người dân còn hạn chế do trình độ của người dân không đồng đều.

Đặc biệt một bộ phận nông dân còn giữ thói quen lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất cây trồng dẫn đến nguy cơ thoái hóa đất, cây bị suy kiệt, sâu bệnh có điều kiện phát triển mạnh. Diện tích sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, vốn đầu tư hạ tầng cơ sở vùng sản xuất tập trung còn hạn chế gây khó khăn cho việc triển khai và ứng dụng các mô hình…

Tại một hội nghị gần đây của ngành nông nghiệp tỉnh, bà Nguyễn Thị Phương Vinh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã nêu một số giải pháp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, nhấn mạnh phải tiếp tục hoàn thiện về tổ chức, chuyển giao công nghệ sản xuất cho từng loại cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt, mở rộng thị trường xuất khẩu theo mô hình liên kết chuỗi giá trị hàng hóa để phát huy lợi thế sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Mặt khác, xây dựng các mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ để đưa vào phục vụ nông nghiệp. Mục đích tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

Đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cũng đề xuất việc đặt hàng các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, hay tiếp nhận, chuyển giao, hợp tác trong quá trình triển khai áp dụng công nghệ. Đặc biệt là công nghệ thông tin trong nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Rõ ràng, để việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao và phát triển trong thời gian tới, cần tìm ra nút thắt và tháo gỡ nút thắt ấy.

Kiều Hằng