Không có việc làm, nguy cơ tái nghiện ma túy cao
Xã hội - Ngày đăng : 09:35, 21/03/2021
Hướng dẫn nghề hàn điện cho học viên. |
Bình Thuận có gần 3.500 người nghiện ma túy được lập hồ sơ quản lý, trong khi đó toàn tỉnh chỉ có một Trung tâm điều trị nghiện ma túy tập trung (thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội), hàng năm chỉ tiếp nhận 260 học viên thuộc diện bắt buộc đi cai nghiện. Do cơ sở điều trị nghiện ma túy tập trung của tỉnh chưa đáp ứng nên nhiều gia đình có người nghiện phải đưa con em đến các cơ sở điều trị tư nhân hoặc cai nghiện tại cộng đồng. Từ đầu năm 2020 đến nay, cơ sở điều trị nghiện ma túy của tỉnh tuy gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch Covid-19 lây nhiễm phức tạp; tiếp nhận số học viên đông, trong đó có một số học viên cá biệt, thần kinh, mắc bệnh huyết áp; cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu (chỉ có 200 chỗ). Tuy nhiên, trong quá trình điều trị 100% học viên cắt cơn nghiện ma túy an toàn, điều trị bệnh không có sự cố xảy ra, không để học viên bị lây nhiễm chéo HIV; 100% học viên được giáo dục về pháp luật, truyền thống lịch sử, kỹ năng sống và phục hồi hành vi nhân cách; 100% học viên được tổ chức lao động trị liệu, chăm sóc, phục hồi sức khỏe; trung tâm đã triển khai thực hiện phương án quản lý học viên, đề phòng học viên gây bạo loạn; phòng, chống thẩm lậu ma túy và các chất kích thích khác vào cơ sở; không để học viên bỏ trốn và bảo đảm an ninh, trật tự. Trung tâm đã tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí giúp học viên rèn luyện thể lực, nâng cao thể chất và tinh thần. Mặt khác, Trung tâm đã liên kết với Trường Cao đẳng nghề mở nhiều lớp dạy nghề phù hợp với nhu cầu học viên như: Kỹ thuật hàn; lắp đặt và sửa chữa máy điều hòa không khí; lắp đặt và bảo dưỡng điện, nước dân dụng… Trước khi học viên hết thời hạn chấp hành quyết định cai nghiện tại cơ sở từ 30-45 ngày, Trung tâm có văn bản gửi về nơi cư trú để địa phương lên kế hoạch hỗ trợ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng… Song, trên thực tế người cai nghiện ma túy sau khi hoàn thành chương trình cai nghiện tại cơ sở điều trị trở về thường tái nghiện và tỷ lệ tái nghiện khá cao. Nguyên nhân chính vẫn là do bản thân người nghiện ma túy không đủ quyết tâm từ bỏ ma túy; trình độ học vấn thấp; không kiếm được việc làm hoặc việc làm không ổn định; khi học viên về lại nơi cư trú không được quan tâm giúp đỡ của gia đình và chính quyền địa phương; đối với những nghề liên quan đến kỹ thuật, họ chỉ nắm được kiến thức sơ lược, không thể đáp ứng yêu cầu tuyển dụng nên các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn không muốn nhận những đối tượng này vào làm việc; công tác quản lý, giúp đỡ, tạo việc làm cho người sau cai nghiện tại các địa phương chưa được chú trọng đúng mức… Bà Lê Thị Loan, ngụ tại thị trấn Phan Rí Cửa (Tuy Phong) có con trai út tái nghiện sau khi điều trị nghiện tại Trung tâm trở về chia sẻ: “Sau khi cai nghiện xong trở về nhà cháu tiếp tục đi biển với bạn bè, gia đình không quản lý được, chỉ vài tháng sau thấy cháu lại tái nghiện ma túy. Nếu tôi cho cháu đi học nghề sớm, có cuộc sống ổn định… có lẽ tránh được tệ nạn này…”.
Để khắc phục vấn đề nói trên, thiết nghĩ các ngành, các cấp cần có giải pháp tích cực hơn, trước hết là huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng dân cư trong việc quản lý, giúp đỡ người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng. Các địa phương tổ chức triển khai thực hiện tốt đề án đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng giai đoạn 2018-2023 theo quyết định của UBND tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đối tượng thanh, thiếu niên về tác hại của ma túy; đồng thời, khuyến khích các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tiếp nhận người đã hoàn thành chương trình cai nghiện vào làm việc để tạo việc làm, thu nhập ổn định, góp phần hạn chế tình trạng tái nghiện.
Lê Thanh