Xung quanh việc chiếm đất hành lang kênh thủy lợi ở Phú Thắng:

Pháp luật - Ngày đăng : 14:30, 26/03/2021

Xác định hành lang kênh Sông Quao 32 mét

BT- Báo Bình Thuận số ra  ngày 20/11/2020 có đăng bài “Lấn chiếm đất hành lang kênh thủy lợi tại Phú Thắng”. Nội dung bài báo phản ánh tình trạng lấn chiếm trái phép đất hành lang bảo vệ an toàn kênh chính hồ Sông Quao và lấn chiếm đường dân sinh tại khu vực thôn Phú Thắng, xã Hàm Phú (Hàm Thuận Bắc) khiến nhiều hộ dân bức xúc gửi đơn thư kiến nghị. Sau khi báo Bình Thuận xuất bản, Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Bắc đã chỉ đạo các phòng chức năng của huyện phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận và xã Hàm Phú khẩn trương xác minh, làm rõ những vấn đề bài báo phản ánh.

Kiểm tra ngay hiện trạng đất

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Bắc,phòng Tài nguyên – Môi trường phối hợp với phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, Trạm đầu mối quản lý kênh Sông Quao, UBND xã Hàm Phú đã tổ chức kiểm tra hiện trạng đất đối với trường hợp ông Đỗ Văn Mạnh trồng trụ bê tông xi măng dọc theo bờ kênh chính Sông Quao (đoạn qua thôn Phú Thắng, xã Hàm Phú).

Cột mốc hành lang kênh chính Sông Quao

Tại buổi kiểm tra qua khảo sát, bước đầu xác định phía dưới hướng nam gần giáp khu đất ông Mạnh có một cột mốc hành lang kênh thủy lợi (vị trí nằm hướng đông bờ kênh và cách mép ngoài bờ kênh 31,7m). Đoàn kiểm tra đã thống nhất tạm thời lấy cột mốc này để làm cơ sở xác định ông Đỗ Văn Mạnh đã trồng bao nhiêu trụ bê tông trên phần đất dành cho hành lang kênh (theo chỉ dẫn của ông Mạnh kết hợp kiểm đếm thực tế xác định ông Mạnh đã trồng 55 trụ bê tông, nhưng chưa rào lưới kẽm gai). Mặt khác, đoàn kiểm tra có đối chiếu bản đồ địa chính do xã Hàm Phú quản lý, qua đó thảo luận, xác định cột mốc và phần đất dành cho hành lang kênh để nhận định ông Mạnh có vi phạm chiếm đất, xây dựng công trình trên phần đất dành cho hành lang kênh hay không? Nếu có thì diện tích chiếm là bao nhiêu? Tuy nhiên, tại buổi kiểm tra các thành viên trong đoàn không xác định được vị trí cột mốc chính thức và phần đất chính xác dành cho hành lang kênh chính Sông Quao, nên phải chờ văn bản trả lời của cơ quan chuyên môn (Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận).

Xác định rõ đất hành lang kênh

Để có cơ sở tham mưu cho UBND huyện Hàm Thuận Bắc xử lý vụ việc theo đúng quy định của pháp luật và báo chí phản ánh, ngày 4/12/2020phòng Tài nguyên - Môi trường đã có văn bản số 2746/PTN&MT gửi Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận đề nghị xác định cột mốc hành lang kênh chính Sông Quao là bao nhiêu (đoạn qua đất ông Đỗ Văn Mạnh đang sử dụng thuộc thôn Phú Thắng, xã Hàm Phú). Ngày 22/3/2021phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Hàm Thuận Bắc nhận được văn bản phúc đáp số 99/KTCTTL-QLN của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi. Nội dung văn bản nêu rõ: Công trình hồ thủy lợi Sông Quao được đầu tư xây dựng từ tháng 9/1988, đến năm 1997 hoàn thành và bàn giao cho Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi quản lý, sử dụng với nhiệm vụ cấp nước tưới cho khoảng 13.000 ha đất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt cho nhân dân huyện Hàm Thuận Bắc, thành phố Phan Thiết. Trong quá trình thi công kênh chính hồ Sông Quao chủ đầu tư đã cắm cột mốc chỉ giới dọc tuyến kênh để xác định ranh giới phạm vi hành lang bảo vệ kênh chính Sông Quao. Qua kiểm tra thực tế tại hiện trường cột mốc phía bờ tả kênh chính Sông Quao đã bị mất chỉ còn một số cột mốc. Điển hình là cột mốc tại K7+502; cột mốc tại K7+700 và cột mốc tại K8+345 (nằm gần khu đất ông Mạnh sản xuất) cách mép kênh chính Sông Quao từ 30 - 32 mét. Đối chiếu với các cột mốc hành lang kênh hiện hữu thì phần đất từ cột mốc ranh giới trở vào kênh chính Sông Quao thuộc phạm vi hành lang bảo vệ công trình thủy lợi kênh Sông Quao…

Thiết nghĩ, vụ việc lấn chiếm đất hành lang bảo vệ công trình kênh Sông Quao đã được các cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ. Vì thế, UBND huyện Hàm Thuận Bắc sớm có kết luận, xử lý để bảo đảm quyền lợi cho các hộ dân đang sinh sống gần tuyến kênh. Bởi lẽ, hiện nay các hộ dân lấy nước từ kênh vào tưới cho cây trồng rất khó khăn do không đặt được đường ống dẫn nước. Mặt khác, con đường trước khu dân cư (sát hành lang kênh) bị thu hẹp, ảnh hưởng đến việc đi lại, vận chuyển nông sản, hàng hóa.    

     Lê Thanh