Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ rừng
Xã hội - Ngày đăng : 09:03, 28/05/2018
Rừng vùng giáp ranh giữa Tánh Linh với huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng). |
Trên tinh thần Chỉ thị số 13 và Chương trình hành động số 27, các ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai đồng bộ những nhiệm vụ đề ra, trọng tâm là ngăn chặn nạn phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép. Đối với rừng vùng giáp ranh, UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng giữa Bình Thuận và Lâm Đồng. Đồng thời thường xuyên củng cố hoạt động của Trạm bảo vệ rừng liên huyện Bắc Bình và Đức Trọng (Lâm Đồng). Tỉnh cũng luân chuyển, kỷ luật các đơn vị, cá nhân thiếu trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật kém và không hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ rừng. Mặt khác, tăng cường kiểm tra, truy quét tại khu vực trọng điểm… Nhờ vậy, tình hình khai thác, vận chuyển lâm sản, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi; số vụ, mức độ vi phạm gây thiệt hại về tài nguyên rừng giảm đáng kể.
Theo thống kê, năm 2017 toàn tỉnh xảy ra 480 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng (giảm 220 vụ so cùng kỳ năm 2016). Trong đó, phá rừng trái phép 12 vụ (giảm 1 vụ); vi phạm quy định về khai thác gỗ và lâm sản 95 vụ (giảm 17 vụ); mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép 150 vụ (giảm 53 vụ); vi phạm quy định về chế biến gỗ và lâm sản 14 vụ (giảm 17 vụ); vi phạm khác 205 vụ (giảm 130 vụ). 3 tháng đầu năm 2018, Bình Thuận xảy ra 110 vụ vi phạm về bảo vệ rừng (giảm 12 vụ so cùng kỳ).
Tình trạng vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng tuy giảm nhưng còn xảy ra ở nhiều nơi trong tỉnh. |
Thực tế cho thấy, qua 1 năm thực hiện Chương trình hành động số 27, hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh được nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, tình trạng tác động vào rừng tự nhiên vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là khu vực giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng. Một số địa phương khi xảy ra phá rừng lại chậm phát hiện và xử lý; có vụ xử lý thiếu kiên quyết, nhất quán, có biểu hiện buông lỏng, né tránh trách nhiệm. Theo nhận định của ngành chức năng, tình hình vi phạm về quản lý và bảo vệ rừng sẽ còn diễn biến phức tạp, nhất là rừng vùng giáp ranh. Trong khi đó, tỉnh phấn đấu kéo giảm 10% số vụ vi phạm về bảo vệ rừng và lâm sản so với năm trước, nâng độ che phủ của rừng đến năm 2020 đạt 43% (hiện đạt trên 41%).
Thiết nghĩ, để thực hiện mục tiêu trên, cấp ủy các ngành, địa phương cần quyết liệt hơn trong lãnh đạo triển khai nhiệm vụ bảo vệ rừng được xác định tại Chương trình hành động số 27 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Gắn mục tiêu bảo vệ, phát triển rừng với hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống, việc làm, an sinh xã hội cho người dân, nhất là những người làm nghề rừng; tạo điều kiện thuận lợi để người dân và các thành phần kinh tế cùng tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Lực lượng kiểm lâm, chủ rừng và UBND cấp xã phải phối hợp chặt chẽ để thực hiện tốt phương châm quản lý rừng tận gốc. Thường xuyên mở các đợt kiểm tra, truy quét chống phá rừng; kiên quyết thu hồi diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
TẤN THÀNH