Nỗi lo cháy nhà trong cao điểm mùa khô
Đời sống - Ngày đăng : 11:24, 02/04/2021
Hậu quả nghiêm trọng
Nắng nóng bao giờ cũng là thời điểm dễ xảy ra cháy nổ nhất. Trong đó, cháy nhà và cháy nhà ở kết hợp kinh doanh thường để lại những hậu quả rất nặng nề. Tại TP. HCM, chỉ trong 5 ngày đã xảy ra hai vụ cháy khiến 9 người chết. Đau đớn nhất là vụ hỏa hoạn xảy ra vào rạng sáng 30/3, tại một căn nhà cấp 4 ở phường Cát Lái, TP. Thủ Đức làm 6 người trong gia đình tử vong. Rạng sáng 25/3, căn nhà cấp 4 trên đường Phạm Thế Hiển, phường 4, quận 8 cũng bất ngờ bốc cháy dữ dội. Người dân xung quanh khi phát hiện đã hô hoán và tìm cách dập lửa, nhưng bất thành. Khi ngọn lửa được dập tắt, người dân bàng hoàng phát hiện hai vợ chồng trẻ cùng con gái 3 tuổi đã tử vong. Hỏa hoạn còn khiến nhiều tài sản trong nhà bị thiêu rụi hoàn toàn.
Hiện trường một vụ cháy nhà trên địa bàn TP. Phan Thiết
Tại Bình Thuận, những năm qua, công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) được cấp ủy, chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm và liên tục có các văn bản chỉ đạo. Thế nhưng, nhiều nơi trong khu dân cư vẫn còn tình trạng câu mắc điện tùy tiện. Một bộ phận người dân chưa quan tâm đúng mức đến công tác PCCC; việc tự kiểm tra hệ thống điện nhà ở, cửa hàng chưa được tiến hành thường xuyên. Do đó, nguy cơ cháy nổ vẫn hiện hữu và thực tế đã xảy ra nhiều vụ cháy. Điển hình là vụ cháy khuya ngày 28/3 tại căn nhà ở kết hợp kinh doanh điện nước Đạo Hoài, thuộc thôn Dân Bình, xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, do ông Hoàng Ngọc Đạo (SN 1970) làm chủ. Vụ cháy đã làm vợ ông Đạo bị thương nặng phải nhập viện cấp cứu, thiệt hại về tài sản khoảng 10 triệu đồng. Nguyên nhân vụ cháy đang được các cơ quan chức năng tập trung điều tra, nhưng không loại trừ khả năng do sự cố hệ thống điện.
Làm gì để hạn chế cháy nổ?
Trước thực trạng trên, để đảm bảo an toàn và hạn chế đến mức thấp nhất số vụ và thiệt hại do cháy nổ, ngành chức năng khuyến cáo người dân phải lắp đặt thiết bị tự ngắt cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, khu vực trong nhà. Không sạc điện thoại, thiết bị tiêu thụ điện ban đêm; không để hàng hóa, đồ dùng dễ cháy gần nơi đun nấu, bóng điện, dây dẫn, ổ cắm, thiết bị điện khác. Không dự trữ xăng, dầu, khí đốt, khí dễ cháy nổ và các chất lỏng dễ cháy trong nhà ở, trường hợp cần thiết nên dự trữ số lượng ít nhất và để ở khu vực riêng biệt. Xe máy, các phương tiện dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt; thiết bị chứa, dẫn xăng, dầu… phải kín. Không để ô tô trong nhà ở nhằm phòng ngừa nếu xe tự cháy; khi sử dụng bàn ủi, bếp điện, lò sấy phải có người trông coi; không để trẻ nhỏ, người già mắt kém, người tàn tật, người tâm thần sử dụng thiết bị điện.
Bên cạnh đó, phải bố trí nơi thờ cúng hợp lý, tường phía đặt bàn thờ và trần phía trên bàn thờ phải bằng vật liệu không cháy. Nơi đun nấu phải có vách ngăn bằng vật liệu không cháy; nếu dùng bếp gas phải tắt bếp và khóa van gas khi đun nấu xong; tuyệt đối không dùng xăng hoặc xăng pha dầu, nhớt để đun bếp dầu, khi đun phải có người trong coi. Trước khi rời khỏi và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, tắt hết những thiết bị điện không cần thiết. Không lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà cao tầng, trường hợp đã lắp phải có cửa chốt trong. Cửa có nhiều khóa nên sử dụng các loại khóa kiểu chìa khác nhau để dễ phân biệt khi mở; để chìa khóa nơi dễ lấy, dễ thấy. Nhà có trẻ nhỏ, người già, người tàn tật thì không nên khóa, đồng thời chuẩn bị sẵn dụng cụ phá vỡ cửa để tạo lối thoát. Không bố trí đồ vật cản trở lối, cửa thoát nạn. Mỗi gia đình nên dự kiến các tình huống thoát nạn khi có cháy xảy ra để thoát nạn an toàn; tự trang bị dụng cụ trữ nước: xô, thùng xách nước… để vừa phục vụ sinh hoạt, vừa phục vụ chữa cháy. Khi xảy ra cháy, tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho mọi người xung quanh biết, gọi điện cho cảnh sát PCCC hoặc công an xã, phường nơi gần nhất, sử dụng phương tiện tại chỗ để chữa cháy và thoát nạn theo tình huống dự kiến.
Tấn Thành