Xuất khẩu thủy sản: Thêm sản phẩm mới, tăng kim ngạch

Kinh tế - Ngày đăng : 09:26, 08/04/2021

BT- Ngành thủy sản xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, thu hút hàng ngàn lao động tham gia sản xuất, chế biến xuất khẩu. Trong những năm qua, thế mạnh kinh tế này không ngừng giữ vững tăng trưởng và phát triển với tốc độ khá nhanh.
                
Chế biến hàng thủy sản xuất khẩu.

Với chiều dài bờ biển 192 km, Bình Thuận là một trong các ngư trường trọng điểm của cả nước. Nguồn lợi thủy sản phong phú về chủng loại, riêng cá có trên 500 loài, trong đó có 60 loài có giá trị kinh tế cao; các loại đặc sản nổi tiếng như mực ống, điệp, sò lông, tôm và các nhuyễn thể 2 mảnh vỏ... Chịu tác động của dịch Covid-19, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đều gặp khó khăn trong việc duy trì và mở rộng thị trường. Kéo theo đó, nhiều đơn hàng bị hủy, nhiều hội chợ thương mại quốc tế bị hủy ảnh hưởng đến cơ hội giao thương của doanh nghiệp với khách hàng. Tuy nhiên, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2020 vẫn tăng so với năm 2019, các mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh là: thủy sản đông lạnh, nước mắm….

Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản tỉnh thông tin kết quả khảo sát thu thập thông tin từ các doanh nghiệp về sản lượng, kim ngạch xuất khẩu năm 2020 cho thấy những khởi sắc ấn tượng. Đơn cử, Công ty TNHH Hải Nam tăng giá trị về sản lượng cũng như kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 36 triệu USD, tăng 9,6% so năm trước. Thị trường xuất khẩu sang EU, Trung Đông, châu Á, Mỹ, Úc chủ lực là mặt hàng cá đông lạnh nhập khẩu, ngoài ra còn nhiều mặt hàng khác mực, tôm, cua, ghẹ, đặc sản...  Hiện có thêm 3 doanh nghiệp là Công ty TNHH CP chế biến hải sản Biển Đông, Công ty TNHH TM Hải Tiến, Công ty TNHH Thủy sản Tân Quý xuất khẩu các mặt hàng mới tăng về sản lượng và kim ngạch như cá cơm đông lạnh, bạch tuộc đông lạnh, cá hồi đông lạnh. Còn Công ty TNHH Hải Triều mở rộng thị trường xuất khẩu mới sang Tây Ban Nha, Malaysia, Hà Lan…

Trong khi đó, một số doanh nghiệp nhờ chủ động nhập khẩu nguyên liệu để gia công, chế biến nên dù lần đầu tham gia xuất khẩu nhưng đem thêm về kim ngạch xuất khẩu cho ngành tăng thêm hơn 5 triệu USD so năm 2019. Bên cạnh đó, sản phẩm nổi tiếng là nước mắm cũng xuất khẩu tăng trưởng 3,9% so năm 2019, đạt kim ngạch xuất khẩu gần 2 triệu USD. Đến nay có 5 doanh nghiệp xuất khẩu nước mắm ổn định sang các thị trường Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU, Philippines.

Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 230 cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến thủy sản. Nhiều sản phẩm thủy sản tiêu thụ nội địa có giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường như: lẩu thủy sản, cá mai tẩm mè ăn liền, mực rim me, ghẹ sữa sấy khô ăn liền, cá bống nướng cán ăn liền…Đặc biệt, sản phẩm nước mắm mang chỉ dẫn địa lý Phan Thiết được nhiều người tiêu dùng trong nước quan tâm, lựa chọn và đã có một số sản phẩm xuất khẩu. Sản phẩm thủy sản đông lạnh, thủy sản khô đã được xuất khẩu sang tất cả các châu lục, các thị trường xuất khẩu thủy sản truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, châu Âu được duy trì và ổn định, đồng thời tìm kiếm, mở rộng thị trường. Nếu giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2019 đạt 136,1 triệu USD, chiếm tỷ trọng 29,44% kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh thì năm 2020 xuất khẩu nhóm hàng thủy sản đạt 159 triệu USD, tăng 16,77%.

 Riêng trong 3 tháng đầu năm 2021 trước nhu cầu tiêu dùng của các thị trường, nhất là châu Á trong dịp tết tăng cao, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng hải sản tiếp tục giữ đà tăng trưởng đạt 32,59 triệu USD, tăng 5,09% so cùng kỳ. Có được kết quả đó, phải ghi nhận sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp xuất khẩu trong việc năng động vượt khó và cố gắng duy trì tốt các thị trường xuất khẩu truyền thống để tiếp tục tăng kim ngạch xuất khẩu.

Cát TưỜng