Liên minh Hợp tác xã tỉnh:
Kinh tế - Ngày đăng : 08:49, 09/04/2021
BT- Qua 3 năm thực hiện Quyết định 461/QĐ - TTg của Chính phủ về phê duyệt “Đề án phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả đến năm 2020”, hoạt động kinh tế tập thể, các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã gặt hái những thành công bước đầu. Trong đó, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với các ngành, địa phương triển khai thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ, góp phần quan trọng trong việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Nhiều HTX hoạt động hiệu quả
Là một trong những HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012, HTX dịch vụ, sản xuất thanh long Hàm Minh 30 được đánh giá là HTX nông nghiệp thành công nhất huyện Hàm Thuận Nam. Bà Lê Phương Chi - Giám đốc HTX này cho biết, 20 ha thanh long/ 11 thành viên của HTX đang được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ứng dụng cơ giới hóa trong các khâu sản xuất và mở ra một hướng đi an toàn, bền vững cho trái rồng xanh – một sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Không chỉ sản xuất thanh long an toàn, HTX Hàm Minh 30 còn ký kết hợp đồng với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm và sản xuất theo quy trình liên kết chuỗi giá trị. Từ đó tạo nên một quy trình khép kín trong khâu sản xuất đến tiêu thụ, xuất khẩu thanh long. Sau 5 năm hoạt động, sản phẩm trái thanh long của HTX đã xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Hàn Quốc (60 tấn/năm), đồng thời cung cấp sản phẩm trái tươi cho các đối tác xuất khẩu đi các thị trường châu Âu (100 tấn/năm)… Nhờ vậy, thu nhập của các thành viên trong HTX ổn định, tăng cao so với trước đây. Cũng từ các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi, đến nay, HTX đã có 2 sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) 4 sao cấp tỉnh là trái thanh long ruột đỏ và thanh long ruột trắng. Đặc biệt, HTX Hàm Minh 30 còn chuẩn bị cho ra thị trường sản phẩm thanh long sấy khô.
Ông Hồ Công Dương – Chủ tịch Liên minh HTX tặng giấy khen cho các HTX tiêu biểu
Không riêng gì HTX Hàm Minh 30, hiện nay nhiều HTX nông nghiệp là đơn vị thành viên của Liên minh HTX tỉnh Bình Thuận còn đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao vào quá trình sản xuất như: HTX muối Thanh Phong áp dụng công nghệ cơ giới hóa vào sản xuất muối; HTX thanh long Hàm Đức áp dụng công nghệ lên men để sản xuất rượu vang thanh long; HTX Bình Minh áp dụng công nghệ nhà lưới có hệ thống điều khiển bán tự động trong trồng dưa lưới... Không chỉ vậy, Liên minh HTX còn tranh thủ các nguồn lực để hỗ trợ các HTX ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất thông qua việc xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Trong đó có 3 HTX được Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ máy móc, thiết bị sản xuất như: HTX Công Thành Đức Linh được hỗ trợ máy cấy, máy vi tính, HTX thanh long Ninh Thuận 9 được hỗ trợ máy rửa trái thanh long, HTX thanh long Thuận Quý được hỗ trợ máy nâng, hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn VietGAP và truy xuất nguồn gốc cho trái thanh long. Đặc biệt trong năm 2020, Liên minh HTX đã hỗ trợ cho 10 HTX nông nghiệp dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm…
Tìm kiếm thị trường
Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh còn vận động các doanh nghiệp lớn tham gia liên kết cùng các HTX nông nghiệp tạo động lực chuyển đổi hoạt động của các HTX để thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng sản lượng, nâng cao giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện để các HTX tham gia các hoạt động thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản; gắn việc phát triển HTX với OCOP theo các nhóm ngành hàng thực phẩm nông sản trọng điểm của tỉnh…
Theo ông Hồ Công Dương – Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, nhờ các chính sách hỗ trợ từ đề án, các HTX trong tỉnh đã từng bước mở rộng dịch vụ, phát triển thêm ngành nghề, làm đầu mối tiếp nhận các chương trình chuyển giao kỹ thuật và các nguồn vốn phục vụ trực tiếp cho kinh tế hộ, kinh tế trang trại, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Một số HTX đã mạnh dạn huy động vốn, trang bị thêm tài sản cố định đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn.
Để phát triển nền kinh tế tập thể mạnh mẽ hơn nữa, Liên minh HTX tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức đối thoại tháo gỡ điểm nghẽn để các HTX là thành viên của Liên minh HTX tỉnh phát triển. Đặc biệt, hội nghị kết nối, giới thiệu sản phẩm hàng hóa OCOP đến các HTX phía Nam và miền Trung, Tây Nguyên và Hội nghị thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX trong đợt này sẽ mở ra cơ hội mới nhằm tháo gỡ những khó khăn, cũng như kết nối, mở rộng thị trường và khẳng định sản phẩm lợi thế của địa phương.
Đến nay, Bình Thuận đã có 201 HTX trong đó có 199 HTX và 2 liên hiệp HTX, tăng hơn 60 HTX so với năm 2016. Trong đó, 22 HTX ứng dụng công nghệ cao, 60 HTX thực hiện liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ nông sản cho thành viên. Đầu năm 2021, có 25 HTX sở hữu sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó, tập trung ở các ngành hàng chủ lực như: thanh long hữu cơ, rau ăn lá, sầu riêng, lúa gạo, nước mắm truyền thống và chế biến hải sản. |
Minh Vân