Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV 2016 - 2021: Một nhiệm kỳ vì nhân dân
Chính trị - Ngày đăng : 19:43, 11/04/2021
Những dấu ấn
Quốc hội khóa XIV được cử tri cả nước bầu ra vào ngày 22/5/2016. 5 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của cử tri, cùng với sự kế thừa và phát huy kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước, Quốc hội khóa XIV ngày càng thể hiện sâu sắc là hiện thân của khối đại đoàn kết dân tộc, đổi mới mạnh mẽ, linh hoạt, thận trọng, quyết đoán, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hành động vì lợi ích của nhân dân, của đất nước, hoàn thành tốt nhiệm vụ trên các lĩnh vực. Thành quả trên đã nâng cao vị thế, uy tín của đất nước trên đấu trường quốc tế, đồng thời củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Minh chứng cụ thể nhất cho một nhiệm kỳ thành công của Quốc hội, đó chính là bình quân 5 năm giai đoạn 2016 – 2020, tăng trưởng kinh tế ước đạt khoảng 5,99%, cao hơn giai đoạn 2011 – 2015 (5,91%), đưa Việt Nam vào nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới.
Trong nhiệm kỳ này, Quốc hội đã thông qua hơn 70 Đạo luật, 18 Nghị quyết và nhiều pháp lệnh, nghị quyết khác của Ủy ban thường vụ Quốc hội… Trong số này có những đạo luật giữ vị trí quan trọng trong hệ thống pháp luật, có những luật hoặc chính sách tác động lớn, toàn diện, sâu sắc đến đời sống kinh tế - xã hội của cả nước. Song song đó, hoạt động giám sát tối cao đã được Quốc hội chú trọng. Thông qua hoạt động giám sát, đã khẳng định tính đúng đắn của chính sách, pháp luật, tiếp tục phát huy những việc làm tốt, kịp thời phát hiện hạn chế, bất cập, kiến nghị bổ sung.
Một trong những điểm nhấn để lại nhiều dấu ấn trong nhiệm kỳ đó chính là phương thức hoạt động. Theo đó, Quốc hội đã có bước chuyển mạnh mẽ từ Quốc hội “tham luận” sang Quốc hội “tranh luận”; cùng với việc tăng cường ứng dụng công nghệ - thông tin đã góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả trong hoạt động của Quốc hội. Mặt khác, việc chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục có nhiều đổi mới, nhất là phương pháp “hỏi nhanh, đáp gọn” đã tạo điều kiện để các đại biểu Quốc hội chất vấn, tranh luận, thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri và nhân dân cả nước.
Cũng trong nhiệm kỳ, Quốc hội đã xem xét, quyết định nhiều quyết sách quan trọng của đất nước, có tác động lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, phát triển vùng miền núi đồng bào dân tộc, gắn với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Cụ thể, Quốc hội đã quyết định chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020; các dự án thành phần của dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành; quyết định dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận… Những quyết sách này luôn xuất phát từ lợi ích đất nước, nguyện vọng nhân dân.
Vì nhân dân và vì dân Bình Thuận
Dấu ấn đậm nét để lại trong lòng đồng bào, cử tri cả nước đó chính là sự gắn bó mật thiết với nhân dân và vì dân của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Suốt chặng đường 5 năm, với trách nhiệm, tâm huyết, trí tuệ và khát khao cống hiến, các vị đại biểu Quốc hội đã gắn bó mật thiết với cử tri, trăn trở trước những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, cũng như những vấn đề thực tiễn nóng bỏng, để phản ánh và đề xuất những giải pháp sát thực, căn cơ, mang theo hơi thở cuộc sống vào nghị trường trong từng nội dung Quốc hội xem xét, quyết định. Từ đó, Quốc hội đã nhanh chóng có những quyết sách đúng đắn.
Cùng với cử tri cả nước, cử tri Bình Thuận vui mừng, phấn khởi vì trong những năm qua đã nhận được sự quan tâm của Trung ương trong việc đầu tư các công trình thủy lợi. Là một tỉnh khô hạn, khả năng đáp ứng nước cho sản xuất nông nghiệp chỉ hơn 3%, thế mà giờ đây, tổng năng lực tưới của Bình Thuận đạt hơn 73.000 ha với hiệu quả sử dụng trên 70%. Nhờ đó, nông dân Bình Thuận đã vươn ổn định sản xuất, phát triển kinh tế. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, Quốc hội khóa XIV cũng đã thông qua chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam. Dự án với dung tích chứa 51,21 triệu m3 nước có nguồn vốn đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 là 186,502 tỷ đồng, giai đoạn sau năm 2020 là 399,145 tỷ đồng. Hồ Ka Pét đi vào hoạt động sẽ tưới nước cho 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam; cấp nước thô cho khu công nghiệp Hàm Kiệm II: 2,63 triệu m3/năm. Đồng thời tạo nguồn nước thô để cấp cho sinh hoạt của khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và thành phố Phan Thiết.
Ngoài ra, Quốc hội cũng đã thông qua chủ trương đầu tư xây dựng hồ Sông Lũy, huyện Bắc Bình. Các công trình mang nhiều ý nghĩa này, sau khi hoàn thành sẽ góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống của nhân dân. Nhưng trước hết, những công trình này đã để lại dấu ấn về một nhiệm kỳ Quốc hội tốt đẹp trong lòng người dân Bình Thuận, vì những công trình đó là công trình của lòng dân.
Có thể khẳng định, chặng đường 5 năm qua, dù trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, Quốc hội khóa XIV vẫn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, cố gắng cao nhất để hoàn thành trọng trách mà cử tri và nhân dân giao phó. Dù vẫn còn những điểm chưa hoàn toàn đáp ứng được như mong muốn của cử tri, thế nhưng hoạt động của Quốc hội đã luôn xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc, từ yêu cầu phát triển của đất nước và người dân Bình Thuận cũng đang thụ hưởng những quyết sách từ Quốc hội.
Huy Toàn