52 năm luôn là tấm gương sáng

Xã hội - Ngày đăng : 08:42, 05/06/2018

BT- Con đường đất vào xóm Chai, thôn Thuận Thắng của xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, bây giờ đã phủ kín bê tông xi măng. Hai bên đường thanh long bạt ngàn. Dường như cả thôn này ai cũng giàu lên nhờ cây thanh long. Trong đó gia đình bà Lê Thị Hường là một điển hình. 

Một mình với 9 căn hầm bí mật

Anh Hiệp, cán bộ văn hóa xã Hàm Liêm cùng đi với chúng tôi đến thăm bà Hường chia sẻ: “Thôn Thuận Thắng trước đây nay là thôn 1 tập trung nhiều hộ “ngàn trụ” thanh long, trong đó bà Lê Thị Hường 18 năm nay là nông dân sản xuất giỏi, bởi vườn thanh long của bà gần 1.800 trụ. Điều mọi người trân trọng, quý mến bà không phải chỉ là một phụ nữ làm ăn giỏi mà là người mẹ, người chị suốt 10 năm (1965 - 1975) đã đào hầm nuôi giấu hàng chục cán bộ cách mạng tại 9 căn hầm bí mật ở xóm Chai. Nghe bà Hường tâm sự cởi mở, tôi lân la dò hỏi căn hầm bí mật chính sau vườn thanh long, bà Hường nói: “Nó là một cái hầm chữ A tránh đạn, hầm được lót ván, dày, nhưng phía dưới những tấm ván ấy tôi đã đào sâu làm hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ cách mạng, vì thế căn hầm không thông vào nhà. Ngoài căn hầm chính này, tôi còn đào 8 hầm khác để giấu các cán bộ tạm thời. Có hầm đào dưới chuồng trâu, có cái ở dưới mương nước, trong lũy tre hoặc ở ngay ngoài ruộng lúa vừa gặt xong… Chỗ nào địch không chú ý là tối đến tôi đào hầm tạm. Trong số hàng chục cán bộ, chiến sĩ của các đội công tác về trú ẩn hầm bí mật tại xóm Chai, tôi vẫn nhớ hình ảnh ông Nguyễn Văn Bốn, bà Hoàng Thị Dung, ông Hoàng Từ… Tôi vừa che giấu, vừa tiếp tế đồ ăn hàng ngày và có những lần kéo dài 4 - 5 ngày liền. Những năm 1965 -1966 bọn mật thám 7 lần lui tới nhà tra hỏi tung tích nữ Việt cộng Hoàng Thị Dung, nhưng tôi tìm cách từ chối. Tụi mật thám truy tìm mãi không có chứng cứ buộc tội nên đành làm lơ…”.

Căn hầm bí mật ở xóm Chai của bà Hường tồn tại đến ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Bà Hường dẫn tôi ra sau vườn chỉ vào vị trí căn hầm bí mật năm xưa, giờ đây không còn dấu tích mà trên đó là những trụ thanh long xanh tốt cao hơn đầu người. Trong một lần trò chuyện với anh Lương Ngọc Thành, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hàm Liêm, anh cho hay: “Bà Hường là con người nói đi đôi với làm. Bà là hội viên hội cựu chiến binh gương mẫu để quần chúng noi theo. Bà luôn đặt lợi ích chung lên trên lợi ích của cá nhân, gia đình mình và bà luôn gần gũi với bà con lối xóm…và là chỗ dựa của bao người nghèo, bao trường hợp bất hạnh trong cuộc sống…”.

                
Vườn thanh long và ngôi nhà ngói khang    trang của bà Hường.

 18 năm sản xuất giỏi

Sau ngày quê hương giải phóng, tài sản của gia đình bà Hường chỉ một căn nhà tranh, vách đất đơn sơ và sở hữu một mẫu ruộng trồng lúa một vụ. Khi phong trào trồng thanh long phát triển, bà Hường đã sớm chuyển ruộng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng gần 2.000 trụ thanh long. Mỗi năm vợ chồng bà cũng thu  từ 400 - 500 triệu đồng. Năm 2007 chồng bà bị bệnh qua đời, một mình bà phải bươn chải lo toan mọi thứ trong gia đình để nuôi 4 người con ăn học nên người. Bà Hường tâm sự: “Sau ngày giải phóng tôi tham gia làm cán bộ xã, đến năm 1992 tôi nghỉ theo chế độ mất sức. Song, về thôn được bà con tín nhiệm nên tiếp tục bầu tôi làm phó bí thư chi bộ 1, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã đến năm 2015. Giờ đây, tôi còn giữ nhiệm vụ tổ trưởng tổ hòa giải thôn 1. Trong 2 năm (2016 - 2017) tôi đã nhận hàng chục đơn thư khiếu nại của người dân yêu cầu giải quyết. Cứ mỗi một vụ việc liên quan đến dân, tôi đã đến từng gia đình tìm hiểu và tổ chức các cuộc họp hòa giải. Kết quả đã có 16 cuộc hòa giải thành”.

Bà Hường kể một câu chuyện mà bà đã bỏ nhiều công sức hòa giải, đó là: Trong thôn có đôi vợ chồng trẻ làm kinh tế gia đình khá giỏi, nhưng chỉ có một tội lúc nhậu vào quá chén thì về nhà văng tục với vợ con nên gia đình thường “cơm không lành, canh không ngọt”. Mỗi lần bị chồng chửi mắng thì vợ lại đòi ly hôn… Bà Hường nhiều lần đến nhà kiên trì khuyên giải, phân tích điều hay lẽ phải, vợ chồng không nên cãi nhau mà ảnh hưởng đến con cái. Hễ cứ thấy họ to tiếng với nhau là bà Hường có mặt. Kết cục ông chồng bớt uống rượu, những trận cãi vã thưa dần và gia đình trở nên hạnh phúc… Hay nhiều trường hợp khác trong thôn thường xảy ra tranh chấp lối đi. Khi nhận đơn yêu cầu giải quyết, bà Hường tìm hiểu kỹ sự việc sau đó tổ chức hòa giải nên khi bà giải quyết vụ việc thì các bên thường chấp thuận… và rút đơn.    

Qua tìm hiểu người dân ở đây chúng tôi còn được biết, trong cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, mở rộng đường giao thông liên thôn, bà Hường đã gương mẫu tự dời hàng rào của gia đình để mở rộng tuyến đường bê tông xi măng. Đồng thời, bà vận động hàng chục hộ dân trong thôn đóng góp tiền công sức để xây dựng hai tuyến đường tổ 1 và tổ 2 với chiều dài 1.138 m, tổng giá trị công trình 845 triệu đồng (trong đó nhân dân đóng góp 395 triệu đồng). Mặt khác, bà Hường luôn quan tâm đến hộ nghèo, cận nghèo trong thôn, khi họ gặp khó khăn trong sản xuất thì bà sẵn sàng giúp đỡ về vật tư, phân bón, kỹ thuật, giống cây trồng. Hàng năm bà tạo việc làm cho 15 lao động nghèo có nguồn thu nhập ổn định và giúp 5 hộ nghèo về kỹ thuật, kinh nghiệm trồng thanh long. Hoặc vận động các hộ kinh tế khá giả trong thôn giúp hộ nghèo vươn lên với số tiền hơn 14 triệu đồng; tặng quà cho gia đình chính sách, học sinh nghèo hiếu học mỗi năm 1,5 triệu đồng từ tiền lương của mình; giúp Ban điều hành thôn 2,5 triệu đồng để mua sắm trang thiết bị phục vụ văn hóa cho bà con trong thôn…

Bà Lê Thị Hường nay đã ngoài tuổi 80 với 52 tuổi Đảng, tuy điều kiện sức khỏe có hạn chế, nhưng đầu óc bà vẫn sáng suốt, năng động và gương mẫu trong mọi công việc. Với hơn 18 năm đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất giỏi”, bà là một kho kinh nghiệm sản xuất quý báu đang truyền lại cho con cháu và người dân nghèo xã Hàm Liêm (Hàm Thuận Bắc).

LÊ THANH