Nâng chất lượng biên soạn lịch sử Đảng bộ và lịch sử truyền thống

Chính trị - Ngày đăng : 14:12, 14/04/2021

BT- 3 năm qua, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực. Đến nay số sách lịch sử Đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống được nghiên cứu, biên soạn, xuất bản tăng cả về số lượng, chất lượng, đảm bảo tính đảng, tính khoa học.
                
      
Đại biểu góp ý cho quá trình biên soạn    “Biên niên sự kiện lịch sử Đảng bộ tỉnh, tập II, giai đoạn 1954 –    1975”. Ảnh: Đ.Hòa

Phát hành 42 tập lịch sử

“Dân ta phải biết sử ta

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.”

Hai câu thơ mở đầu ngắn gọn, mộc mạc mà sâu sắc của Bác trong tập “Lịch sử nước ta” (xuất bản tháng 2/1942) nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của công tác giáo dục lịch sử trong sự nghiệp cách mạng. Nhận thức được tầm quan trọng đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ đạo đẩy mạnh công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống. Kết quả công tác nghiên cứu, biên soạn là cơ sở để triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử.

Tại tỉnh, 3 năm qua, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống toàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực. Toàn tỉnh phát hành được 42 tập lịch sử. Trong đó, Tỉnh ủy Bình Thuận hoàn thành xuất bản và phát hành 2 tập sách: Hoạt động đấu tranh của chiến sĩ cách mạng tỉnh Bình Thuận trong nhà tù, trại giam ở miền Nam (1954 - 1975) và Lịch sử biên niên Đảng bộ tỉnh Bình Thuận, tập I (1930 - 1954). Về phía các sở, ban, ngành tỉnh, có Liên đoàn Lao động tỉnh hoàn thành xuất bản tập Lịch sử phong trào công nhân, viên chức lao động và Công đoàn tỉnh Bình Thuận (1930 - 2018) xuất bản năm 2019. Văn phòng Tỉnh ủy, Báo Bình Thuận, Công an tỉnh đang biên soạn lịch sử truyền thống của đơn vị mình. Có 8 huyện, thị xuất bản tập Lịch sử lực lượng vũ trang như: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Phan Thiết, Hàm Thuận Nam, Đức Linh, Hàm Tân và La Gi; huyện Phú Quý đã xuất bản trước đây, huyện Tánh Linh đang hoàn chỉnh biên tập sau hội thảo.

Để có được những kết quả trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp uỷ trên địa bàn tổ chức triển khai, thực hiện tốt Chỉ thị số 20 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”. Nhờ đó, công tác biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống được thực hiện qua nhiều bước. Quá trình biên soạn, các cấp chú trọng sâu kỹ hơn trong khai thác tư liệu, kết nối có tính hệ thống các sự kiện, dữ kiện, thảo luận qua nhiều bước để đưa vào hoàn chỉnh bản thảo... 

Tăng cường biên soạn lịch sửđảng

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống còn nổi lên một số hạn chế. Đáng chú ý, một số địa phương, cơ quan, đơn vị biên soạn lịch sửđảng, lịch sử truyền thống còn chậm. Toàn tỉnh còn 25 xã, phường chưa hoàn thành biên soạn. Nguồn tư liệu lịch sử phục vụ công tác nghiên cứu, biên soạn ở một số xã, phường, thị trấn chưa đảm bảo; phần lớn tư liệu lịch sử bị thất lạc, hư hỏng hoặc gián đoạn, nhất là nguồn tư liệu và nhân chứng trong giai đoạn kháng chiến…

Do vậy, thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, các ngành trong tỉnh tiếp tục tăng cường nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng, lịch sử truyền thống theo Kế hoạch số 120. Triển khai công tác sưu tầm, biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử địa phương giai đoạn 2021 – 2025. Đồng thời, thực hiện “Tài liệu dạy và học lịch sử địa phương trong trường THPT trên địa bàn tỉnh Bình Thuận” để đưa vào giảng dạy. Ở cấp tỉnh, biên soạn, xuất bản công trình “Lịch sử biên niên Đảng bộ tỉnh Bình Thuận, tập II (1954 - 1975)”. Đối với các huyện, thị, thành ủy, cùng với nhiệm vụ xuất bản 1 công trình lịch sử, cần tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, biên soạn lịch sử ở xã, phường, thị trấn, nhất là tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành 100% địa phương biên soạn, xuất bản giai đoạn kháng chiến.

THU HÀ