Bình Thuận chuẩn bị các tình huống tiêm phòng vắc xin Covid-19

Đời sống - Ngày đăng : 14:31, 14/04/2021

BT- Bộ Y tế phân bổ vắc xin phòng Covid-19 đợt 2 cho các tỉnh, thành. Trong đó, Bình Thuận được phân bổ 6.700 liều vắc xin có tên AstraZeneca, do chương trình COVAX Facility hỗ trợ. Phóng viên Báo Bình Thuận có cuộc trao đổi với bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Văn Hồng – Phó Giám đốc Sở Y tế để biết rõ công tác chuẩn bị cho đợt tiêm này.
                
Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Văn Hồng – Phó Giám    đốc Sở Y tế.

Thưa ông, thời gian nào tiến hành tiêm vắc xin phòng Covid-19 và tại các điểm tiêm nào?

Bác sĩ Lê Văn Hồng: Theo lịch trình, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ tiếp nhận vắc xin Covid-19, kèm theo bơm kim tiêm từ Viện Pasteur Nha Trang vào ngày 19/4. Sau khi tiếp nhận, vắc xin phòng Covid-19 sẽ được phân phối về cho các huyện, thị, thành phố. Dự kiến, chiến dịch tiêm vắc xin này sẽ bắt đầu vào ngày 26/4 và kết thúc vào ngày 7/5. Tiếp đó, chiến dịch thực hiện tiêm vét trong 3 ngày (10 - 12/5). Riêng huyện đảo Phú Quý, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật sẽ cử 1 tổ giao vắc xin tận nơi và kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị tại điểm tiêm này.

Bình Thuận có khoảng 140 điểm tiêm chủng trong hệ thống y tế tỉnh được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng, bao gồm trạm y tế xã, phường, thị trấn, phòng khám đa khoa, trung tâm y tế tuyến huyện, bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh… Dự kiến, đợt tiêm này chỉ có 11 điểm tiêm tại 10 huyện, thị, thành phố. Các trung tâm y tế tuyến huyện, bệnh viện đa khoa khu vực sẽ tiêm cho cán bộ, nhân viên của các phòng, ban cấp huyện. Bệnh viện đa khoa Bình Thuận và Trung tâm Y tế Phan Thiết sẽ tiêm cho  cán bộ, nhân viên y tế khối tuyến tỉnh, khu vực Phan Thiết.

Được biết, số lượng phân bổ ít hơn so với số lượng cần tiêm. Do đó, ông có thể cho biết thứ tự ưu tiên như thế nào?

Bác sĩ Lê Văn Hồng: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp nhận vắc xin, bảo quản theo quy định và triển khai tiêm chủng ngay cho các đối tượng theo đúng Nghị quyết số 21 của Chính phủ. Trước hết, các mũi tiêm được dành cho những người trực tiếp làm công tác phòng chống dịch. Đó là những nhân viên y tế đang trực tiếp chăm sóc những người nhiễm Covid-19. Sau đó, đến những người tham gia phòng chống dịch tại cộng đồng. Vì số lượng có hạn, nên mỗi người chỉ được tiêm 1 mũi. Các cơ sở tiêm chủng phải chuẩn bị tất cả các điều kiện cần thiết để đảm bảo an toàn tiêm chủng. Trước khi tiêm chủng, người được tiêm sẽ được khám sàng lọc, ký vào giấy đồng ý tiêm vắc xin thì mới được tiêm. Từ thông tin đó, nhân viên y tế nhập dữ liệu, quản lý trên hệ thống tiêm chủng, cấp giấy xác nhận đã tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.

                
Ảnh minh họa.

Thưa ông, để đảm bảo an toàn tiêm, ngành y tế tỉnh chuẩn bị như thế nào?

Bác sĩ Lê Văn Hồng: Vắc xin phòng Covid-19 là loại vắc xin mới, trải qua tất cả các quy trình kiểm duyệt theo quy định, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo sử dụng. Nhiều quốc gia đã tiến hành tiêm loại vắc xin này. Mục tiêu của tiêm vắc xin là phải đảm bảo an toàn cho những người được tiêm. Tất cả các cán bộ tham gia vào đợt tiêm phòng vắc xin Covid-19 đã được tập huấn quy trình tiêm chủng an toàn.

Bất cứ vắc xin nào cũng có phản ứng sau tiêm từ thông thường cho đến bất lợi. Phản ứng sau tiêm vắc xin Covid-19 có thể có xảy ra. Việc trì hoãn tiêm vắc xin chỉ được thực hiện sau khi khám sàng lọc theo quy định. Do đó,  tất cả các khâu trong quy trình tiêm chủng phải đảm bảo thực hiện nghiêm ngặt theo quy định của Bộ Y tế. Đồng thời, chủ động chuẩn bị tất cả các tình huống để thực hiện việc tiêm chủng được an toàn.

Cảm ơn ông!

Trang Minh (thực hiện)