Tăng cường thông tin, tuyên truyền phòng chống ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên

Đời sống - Ngày đăng : 10:35, 16/04/2021

BTO- Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra do sử dụng thực phẩm có chứa độc tố tự nhiên, Sở Nông nghiệp và PTNT vừa yêu cầu một số đơn vị trực thuộc tăng cường thông tin, truyền thông giúp người dân nâng cao nhận thức về tác hại nguy hiểm của độc tố tự nhiên. Đồng thời, hướng dẫn người dân nhận dạng hình ảnh các loại thực vật, động vật, thủy sản có độc tố tự nhiên. Qua đó, khuyến cáo tuyệt đối không thu hái, đánh bắt, kinh doanh, sử dụng động, thực vật có chứa độc tố tự nhiên như nấm độc, côn trùng lạ, độc, cá nóc, so biển, cua mặt quỷ, bạch tuộc đốm xanh, ốc bùn xoắn, ốc bùn bóng, ốc lạ, rau quả lạ…Trường hợp phát hiện người dân có triệu chứng nghi ngờ ngộ độc thực phẩm phải nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị, cấp cứu kịp thời.
                
      Cá nóc là một trong những loại cá chứa độc.

Trong đó, chú trọng và có biện pháp tuyên truyền phù hợp đối với đồng bào vùng ven biển, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Tăng cường kiểm tra, giám sát, cảnh báo người dân, cơ sở sản xuất kinh doanh không thu hái, đánh bắt, sơ chế, chế biến, kinh doanh các loài thực vật, động vật, thủy sản rủi ro cao chứa độc tố tự nhiên.

Trước đó, theo Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế, trong năm 2020 toàn quốc đã ghi nhận 49 vụ ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên trong một số loài thực vật, động vật như nấm, cóc, so biển, cá nóc, cá hồng, ốc biển, sắn, rau muống biển, rau rừng… làm nhiều người mắc và 26 người tử vong. Tại tỉnh Bình Thuận, vào ngày 8/3 vừa qua tại phường Phú Tài, TP. Phan Thiết đã xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm do ăn ốc biển lạ với 5 người ăn và 3 người nhập viện. Qua điều tra, xác minh thông tin các loại ốc biển trên có tên gọi là ốc bùn xoắn (Phos senticosus) và ốc bùn bóng (Nassarius glans) do ngư dân đánh bắt rồi mang về luộc ăn. Mẫu đã được gửi phân tích độc tố tại Viện Hải dương học Nha Trang, kết quả 2 loại ốc trên đều có chứa hàm lượng độc tố Tetrodotoxins (TTXs) gây chết người.

K.H