EU cạnh tranh ngoại giao vaccine với Nga và Trung Quốc ở khu vực Balkan

Quốc tế - Ngày đăng : 14:03, 22/04/2021

EU đang bị bỏ lại sau Nga và Trung Quốc trong việc chia sẻ vaccine với các nước Tây Balkan, những nước tới nay chủ yếu vẫn phải dựa vào cơ chế phân phối vaccine toàn cầu COVAX.

Liên minh châu Âu ngày 20/4 cho biết sẽ gửi 651.000 liều vaccine ngừa Covid-19 của BioNTech/Pfizer tới 6 nước Tây Balkan, những nước chưa phải là thành viên của khối này.

“Bất chấp sự thiếu hụt trên toàn cầu hiện nay, EU sẽ gửi vaccine ngừa Covid-19 này tới các nước Tây Balkan. Đây là dấu hiệu quan trọng cho thấy EU và các nước thành viên rất quan tâm tới khu vực này”, Cao ủy phụ trách mở rộng EU Olivér Várhelyi cho biết trong một cuộc họp báo.

EU sẽ gửi 651.000 liều vaccine ngừa Covid-19 của BioNTech/Pfizer tới 6 nước Tây Balkan. Ảnh: EC

Vaccine ngừa Covid-19 sẽ được phân phối từ tháng 5 đến tháng 8 tới. Việc EU gửi vaccine tới các nước Balkan dựa trên nhu cầu về dịch tễ học chứ không phải trên cơ sở quy mô dân số. Do đó, phần lớn số vaccine kể trên sẽ được đưa tới Albania, Bosnia & Herzegovina và Bắc Macedonia, những nước hiện mới chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ dân số đã được tiêm chủng.

Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, 145.000 liều sẽ được gửi tới Albania, 214.000 liều được gửi tới Bosnia và Herzegovina và 119.000 liều được gửi tới Bắc Macedonia. Phần còn lại sẽ được gửi tới Kosovo (95.000 liều), Montenegro (42.000 liều) và Serbia (36.000 liều).

Dù số vaccine kể trên là nhằm ưu tiên cho các nhân viên y tế và các nhóm có nguy cơ cao mắc Covid-19, nhưng các nước tiếp nhận sẽ tự quyết định về chiến lược sử dụng vaccine.

Ủy ban châu Âu đã lên kế hoạch về cơ chế chia sẻ vaccine từ tháng 1/2021, tuy nhiên EU đã gặp phải rất nhiều khó khăn khi chia sẻ với các nước láng giềng nghèo hơn, nhất là trong bối cảnh việc chậm bàn giao từ các nhà sản xuất cũng đang ảnh hưởng tới chiến dịch tiêm chủng của chính các nước thành viên trong khối.

Bất chấp sự chỉ trích về việc chiến dịch tiêm chủng diễn ra chậm chạp, Áo vẫn tạo điều kiện về pháp lý cho các hợp đồng giữa nhà sản xuất BioNTech/Pfizer với các nước láng giềng ở Tây Balkans.

“Sau tất cả, những điểm trống trên bản đồ vaccine ngừa Covid-91, cho dù là ở bất cứ đâu, cũng đều dấy lên mối đe dọa đối với tất cả chúng ta”, Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg nói.

Việc thiếu vaccine ở Tây Balkan cũng dấy lên cuộc đua thể hiện vai trò lãnh đạo về địa chính trị.

Dù vậy, EU đang bị bỏ lại sau Nga và Trung Quốc trong việc chia sẻ vaccine với các nước Tây Bankan, những nước chủ yếu phải dựa vào cơ chế phân phối vaccine toàn cầu COVAX mà EU hỗ trợ và mới chỉ được cung cấp 258.600 liều.

Ngoại giao vaccine của Serbia

Về phần mình, Serbia cũng đang thực hiện chính sách ngoại giao vaccine riêng ở khu vực Balkan.

Serbia là nước nhận nhiều vaccine của Trung Quốc và Nga nhất trong khu vực và hiện có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất ở châu Âu. Do đó, nước này sẵn sàng chia sẻ vaccine với các nước láng giềng.

Tháng 3/3021, Belgrade tuyên bố chuyển 10.000 liều vaccine AstraZeneca cho Bosnia & Herzegovina, nơi mới chỉ tiêm chủng được 15.000 liều. Trước đó nước này cũng tài trợ 2.000 liều vaccine Sputnik V cho Montenegro và 4.680 liều vaccine Pfizer/BioNtech cho Bắc Macedonia.

Hiện nay Serbia đang tiêm chủng miễn phí cho người nước ngoài, chủ yếu là từ các nước láng giềng.

Đầu tháng này, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 do Trung Quốc sản xuất để khuyến khích người dân đi tiêm chủng, trong bối cảnh có sự hoài nghi và do dự ở nước này.

Hoàng Phạm/VOV