Sản xuất theo liên kết chuỗi, thích ứng với biến đổi khí hậu
Kinh tế - Ngày đăng : 10:21, 26/04/2021
Những mô hình hiệu quả
Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do tình hình nắng nóng kéo dài, thiếu nước phục vụ sản xuất. Hậu quả, làm giảm sản lượng một số loại cây trồng chính, nhất là cây lương thực. Đặc biệt năm 2020 tình trạng hạn hán cấp độ 2 và đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và đời sống nhân dân. Chính vì vậy, việc sản xuất theo liên kết chuỗi, thích ứng với biến đổi khí hậu đang là hướng đi đúng đắn của ngành nông nghiệp tỉnh trong thời điểm hiện nay.
Ông Nguyễn Tám - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, từ năm 2020 đến nay, trung tâm đã thực hiện một số mô hình liên kết chuỗi điển hình đạt kết quả tốt. Đơn cử, mô hình sản xuất lúa bằng phương pháp cải tiến (SRI) theo liên kết chuỗi, trong đó có hợp phần tưới ướt - khô xen kẽ với diện tích trên 100 ha, tập trung tại các vùng lúa trọng điểm trên địa bàn huyện Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình. Kết quả, năng suất đạt 68 - 74 tạ/ha, lợi nhuận 22 - 25 triệu đồng/ha. Qua thực hiện mô hình áp dụng phương pháp SRI giảm được mật độ gieo sạ từ 60-80 kg/ha, giảm chi phí giống khoảng 1 triệu đồng và tiết kiệm nước tưới từ 4-6 lần tưới/vụ...
Sản xuất lúa bằng phương pháp cải tiến (SRI) tại Hàm Thuận Bắc
Bên cạnh đó, hiện nay một số mô hình đã được áp dụng rộng rãi như sản xuất rau ăn lá, rau ăn quả đạt chứng nhận VietGAP theo liên kết chuỗi với quy mô 1,3 ha tại huyện Hàm Thuận Bắc. Hay như mô hình sản xuất ớt an toàn theo liên kết chuỗi, kết hợp hệ thống tưới tiết kiệm nước trên 10 ha, thực hiện tại huyện Hàm Thuận Bắc và Tánh Linh. Kết quả, năng suất bình quân đạt từ 250 – 400 tạ/ha...
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, qua triển khai thực hiện các mô hình trên, bước đầu đã hình thành được liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể, sản phẩm sau khi sản xuất được các doanh nghiệp tại địa phương ký hợp đồng bao tiêu. Qua đó đã thay đổi dần tập quán sản xuất cũ của người dân, góp phần tiết kiệm nguồn nước, cải thiện đất canh tác và môi trường sinh thái nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích.
Đổi mới phương thức hoạt động khuyến nông
Thời gian qua, ngoài các mô hình trồng trọt, mô hình khuyến nông trong chăn nuôi được áp dụng rộng rãi như trồng thâm canh cây cỏ kết hợp tưới nước tiết kiệm theo liên kết chuỗi. Nhờ vậy, người dân chủ động được nguồn thức ăn chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, mô hình chăn nuôi vịt sử dụng đệm lót sinh học và hình thành liên kết chuỗi gắn với tiêu thụ sản phẩm với quy mô 3.000 con, tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm...
Đại diện Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, để phát huy kết quả đạt được trong chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới vào phục vụ sản xuất, đời sống của nhân dân, trong năm 2021, đơn vị sẽ tập trung đổi mới phương thức hoạt động khuyến nông, có sự tham gia, khuyến nông theo nhóm và khuyến nông cộng đồng. Mặt khác, gắn hoạt động đào tạo, tập huấn với xây dựng mô hình trình diễn để nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông, khuyến ngư. Đồng thời, tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, nhân rộng các mô hình tổ chức sản xuất mới, hiệu quả đã được kiểm chứng. Ngoài ra, phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Mặt khác, chuyển mạnh từ sản xuất theo hộ gia đình riêng lẻ sang mô hình sản xuất hợp tác, liên kết, tập trung, quy mô lớn... để thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay.
Trung Lương