Khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biển
Kinh tế - Ngày đăng : 08:59, 05/05/2021
Đội tàu đánh bắt xa bờ của tỉnh. Ảnh: N.Lân |
Hiện đại hóa đội tàu
Với ngư trường rộng lớn khoảng 52.000 km2, Bình Thuận có tiềm năng rất lớn về khai thác hải sản. Đây là một trong những ngư trường lớn của cả nước, có nguồn lợi hải sản phong phú. Diện tích các bãi bồi, bãi triều ven sông và cận bờ biển có thể nuôi tôm bán thâm canh. Đảo Phú Quý có thể nuôi cá lồng bè và các loại hải sản khác... Đến nay, tỉnh đã có 4 trung tâm nghề cá gồm: Phan Thiết, La Gi, Phan Rí Cửa và huyện đảo Phú Quý; cơ cấu nghề khai thác hải sản chuyển dịch đúng hướng, thuyền công suất lớn tăng. Đặc biệt, Bình Thuận đã bước đầu phát huy hiệu quả mô hình khai thác xa bờ, gắn với dịch vụ hậu cần, thu mua, sơ chế biến, bảo quản sản phẩm trên biển, xây dựng mô hình tổ đoàn kết khai thác hải sản. Tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 6.770 chiếc với tổng công suất 1,1 triệu CV, trong đó, số tàu cá chiều dài trên 15m là 1.772 chiếc. So năm 2015, số tàu cá giảm 626 chiếc, nhưng tổng công suất tăng 228.206 CV, điều này phù hợp với quan điểm, định hướng giảm số tàu cá công suất nhỏ, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả đánh bắt xa bờ.
Hiện nay, toàn tỉnh có 480 cơ sở nuôi trồng thủy sản, đa số là cơ sở nuôi tôm và 1 cơ sở nuôi cá tầm. Sản lượng thủy sản năm 2020 khoảng 235.635 tấn, trong đó sản lượng thủy sản khai thác hơn 221.000 tấn, sản lượng nuôi 14.000 tấn. Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong công tác bảo quản sản phẩm được quan tâm, tuyên truyền và nhân rộng các mô hình có hiệu quả để ngư dân tìm hiểu và tự trang bị trên tàu cá. Toàn tỉnh có khoảng 600 tàu cá cải hoán hầm bằng vật liệu cách nhiệt Polyurethan (PU) để thay thế hầm bảo quản truyền thống; khoảng 100 tàu thuyền hoạt động nghề lưới chụp, hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản đã trang bị hầm cấp đông để bảo quản sản phẩm. Ngoài ra, ngành chức năng đã triển khai thực hiện thí điểm 1 mô hình sử dụng công nghệ hầm lạnh bảo quản sản phẩm bằng máy bảo ôn trên tàu lưới kéo, mang lại hiệu quả cao, đang tiếp tục phổ biến để nhân rộng mô hình.
Quy mô, công nghệ hiện đại
Ngoài đội tàu với công nghệ hiện đại, chế biến thủy sản cũng là một trong những thế mạnh của tỉnh. Toàn tỉnh, hiện có 212 cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản, hầu hết đã được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm ATTP. Trong đó có 22 doanh nghiệp xuất khẩu (5 doanh nghiệp nước mắm; 17 doanh nghiệp chế biến thủy sản khô, đông lạnh, đồ hộp). So năm 2015, hiện nay đã xuất hiện thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng mới nhà xưởng khang trang, trang thiết bị, dây chuyền sản xuất phù hợp để sản xuất hàng thủy sản giá trị gia tăng, và thêm nhiều doanh nghiệp đã được chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu. Một số cơ sở đầu tư, trang bị máy móc phù hợp để sản xuất hàng thủy sản giá trị gia tăng. Điển hình có Công ty TNHH Hải Nam mở rộng nhà xưởng, đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại chế biến các sản phẩm cao cấp từ cá hồi.
Bên cạnh đó, nhiều cơ sở sản xuất nước mắm trước đây hoàn toàn làm thủ công thì nay cũng từng bước cơ giới hóa như công đoạn trộn, vận chuyển cá muối, kéo rút, chiết rót đóng chai… Quy mô và công nghệ chế biến thủy sản tại các cơ sở xuất khẩu tương đối hiện đại. Sản lượng sản phẩm chế biến hàng năm khoảng 55.975 tấn, trong đó: thủy sản đông lạnh 45.700 tấn/năm, thủy sản khô 8.275 tấn/năm, đồ hộp 2.000 tấn/năm, nước mắm 41,3 triệu lít/năm. Tỷ lệ sản phẩm chế biến tinh, chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao (như các loại Surimi, Sashimi, thủy sản tẩm bột, các loại bánh thủy sản, thủy sản chế biến gia nhiệt, thủy sản khô ăn liền…) chiếm khoảng 15 - 30% sản phẩm chế biến và được gia tăng khi xuất sang các thị trường EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật…
Sản phẩm thủy sản tiêu thụ nội địa phong phú, đa dạng, hiện nay đã có nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao như: lẩu thủy sản và một số sản phẩm ăn liền như cá mai tẩm mè, mực rim me, ghẹ sữa sấy khô ăn liền, cá bống nướng cán... Riêng lĩnh vực chế biến nước mắm, có 11 cơ sở chế biến nước mắm được chứng nhận HACCP, ISO 22000:2005. Ngoài ra, còn có 5 doanh nghiệp được cấp Code xuất khẩu, trong đó có 2 doanh nghiệp được cấp Code đi thị trường khó tính như Mỹ, EU. Song song đó, tỉnh đã triển khai thực hiện và kết nối thành công 41 chuỗi với sản lượng kiểm soát hơn 50.000 tấn/năm (nước mắm, các sản phẩm dạng mắm, sản phẩm mắm tôm, mắm ruốc...).
Với tiềm năng hiện có, Bình Thuận phải huy động nhiều nguồn lực và triển khai nhiều biện pháp tích cực hơn, đẩy mạnh phát triển toàn diện, bền vững kinh tế biển gắn với tái cơ cấu kinh tế của tỉnh, để kinh tế biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy quá trình tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
M.Vân