Vốn tín dụng chính sách phát huy hiệu quả
Kinh tế - Ngày đăng : 11:06, 05/05/2021
Đoàn công tác Ngân hàng CSXH Việt Nam kiểm tra vay vốn tín dụng tại xã Ngũ Phụng (Phú Quý). |
Chuyển biến giảm nghèo
Thực hiện Chỉ thị số 40, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 33, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện gắn với chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới (NTM) góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngân hàng CSXH tỉnh đã tập trung các nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh. Đồng vốn tín dụng chính sách đã giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu của cuộc sống cho các đối tượng yếu thế trong xã hội, mà điểm sáng đó là tạo sự chuyển biến trong công tác thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh trong giai đoạn (2011 – 2015) giảm từ 9,09% xuống còn 2,52% và trong giai đoạn (2016 – 2020) đã giảm từ 5,81% xuống còn 1,31%. Tại hội nghị mới đây về kết quả thực hiện Chỉ thị số 40, ông Phạm Anh Đức – Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh đưa ra những kết quả thật ấn tượng: Tính riêng giai đoạn 2003 – 2021, vốn tín dụng chính sách đã tạo điều kiện cho 312.000 lượt hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo vay vốn đầu tư sản xuất. Vốn tín dụng chính sách đã giúp trên 68.000 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho trên 25.000 lao động, 81.000 học sinh, sinh viên vay vốn học tập, xây dựng trên 150.000 công trình nước sạch, 132.000 công trình vệ sinh môi trường…
Sử dụng hiệu quả vốn vay
Tính đến cuối tháng 3/2021, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt trên 3.000 tỷ đồng với trên 100 ngàn lượt hộ đang còn dư nợ. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh của chi nhánh chỉ chiếm 0,44% tổng dư nợ cho thấy nguồn vốn đã được sử dụng và quay vòng hiệu quả. Điển hình trường hợp anh Lê Thanh Bình ở thôn 7, xã Măng Tố, huyện Tánh Linh sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay chính sách tăng thu nhập cho gia đình. Anh Bình nhớ lại: “Cách đây vài năm cuộc sống gia đình tôi chật vật từng ngày, con lại đang độ tuổi ăn tuổi học. Khi biết được chương trình cho vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH huyện Tánh Linh, tôi liền tiếp cận và được duyệt cho vay 50 triệu đồng nên rất mừng. Có vốn tôi đầu tư mở rộng vườn rau, mua thêm dê chăn nuôi rồi phát triển đàn dê đến nay lên đến hơn 20 con cho thu nhập ổn định. Chăm chỉ làm lụng đã không lo chuyện tái nghèo”. Bên cạnh đó, vốn tín dụng chính sách góp phần thực hiện một số tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 65/93 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM và huyện Phú Quý đạt chuẩn huyện NTM vào năm 2016. Theo UBND huyện Phú Quý, đến nay dư nợ tín dụng CSXH thực hiện đạt hơn 136 tỷ đồng với 2.619 hộ đang còn dư nợ, trong đó dư nợ cho vay chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn là 60 tỷ đồng, chiếm 44,1% tổng dư nợ. Hiệu quả từ tín dụng chính sách đóng góp đưa thu nhập bình quân đầu người tại huyện năm 2020 đạt 50,5 triệu đồng, tăng 1,5 lần so cuối năm 2015 và tỷ lệ hộ nghèo hiện chỉ còn 0,5%, hộ cận nghèo 2,14% tổng số hộ dân toàn huyện đảo. “Với mục tiêu tỉnh hướng đến cho các đối tượng yếu thế đặc biệt là hộ nghèo, vai trò các hội, đoàn thể trong hướng dẫn kỹ thuật cho người dân sản xuất, chăn nuôi giúp người nghèo thu được lợi nhuận từ đồng vốn rất quan trọng”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết thêm.
“Để tiếp tục phát huy hiệu quả chương trình tín dụng chính sách, đề nghị địa phương tạo điều kiện chuyển nguồn vốn ủy thác nhiều hơn nữa để cho vay đối tượng chính sách theo chuẩn nghèo địa phương” - Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam Dương Quyết Thắng |
Cát Tường