Bộ trưởng Trần Hồng Hà kiến nghị thu hồi dự án treo và chậm tiến độ

Xã hội - Ngày đăng : 10:52, 05/06/2018

Trước thực trạng, đất bị thu hồi làm dự án rồi để hoang hóa, Bộ trưởng Trần Hồng Hà kiến nghị nên thu hồi dự án treo, chậm tiến độ sau 12 tháng.

Trả lời chất vấn của đại biểu về thu hồi đất của dân làm dự án rồi lại để hoang hoá, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận hiện tượng dự án treo ở các địa phương xảy ra từ trước khi có Luật Đất đai 2013. Nguyên nhân xác định do năng lực nhà đầu tư, thiếu chế tài xử lý.

                
      
      Nhiều địa phương đất    bị thu hồi làm dự án rồi để hoang hoá.

"Luật Đất đai 2013 đã quy định rất rõ chế tài, năng lực, cơ chế tài chính để ràng buộc nhà đầu tư, tuy nhiên hiện tượng này vẫn chưa được xử lý vì còn chồng chéo giữa các quy định pháp luật", Bộ trưởng Bộ TN&MT cho biết.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà giải thích, theo quy định Luật Đất đai 2013, dự án không thực hiện đúng tiến độ sau 24 tháng sẽ bị thu hồi, và trường hợp nhất định có thể cho phép kéo dài thêm 24 tháng nữa. Trong khi đó thời hạn này quy định tại Luật Đầu tư là 12 tháng.

"Quan điểm cá nhân, tôi rất đồng tình nên thu hồi dự án treo, chậm tiến độ nếu sau 12 tháng doanh nghiệp không triển khai đầu tư, thực hiện", ông Trần Hồng Hà nói.

Bộ trưởng cũng đề nghị "Cần xem xét điều chỉnh lại điểm vênh giữa Luật Đầu tư và Luật Đất đai 2013, làm rõ nội hàm quá thời hạn 12 tháng thì thu hồi dự án treo ra sao".

Theo Bộ Trưởng, Luật Đất đai hiện nay cho phép thu hồi song không yêu cầu nhà đầu tư phải bồi hoàn và đây là bất cập. Bởi thực tế, nhiều dự án đã được chủ đầu tư dùng để thế chấp đất, vay vốn ngân hàng nên khi thu hồi dự án treo này sẽ gặp vướng mắc với Luật Đất đai.

"Đây là vấn đề pháp lý, phải xem xét sửa luật để tạo điều kiện cho ngân hàng coi đất thế chấp là tài sản và họ được bán đấu giá để thu hồi tài sản cho Nhà nước", ông Hà đề nghị.

Cũng liên quan tới quản lý đất đai, đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề cập tới bất cập trong đền bù, chuyển nhượng đất ở một số địa phương và đề nghị được biết trách nhiệm xử lý thuộc về ai? Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận trách nhiệm thuộc ngành tài nguyên môi trường khi không làm tốt công tác dự báo.

Quy định về đền bù, tái định cư đã được quy định rõ trong luật, tuy nhiên theo ông Trần Hồng Hà, ở đây có trách nhiệm của chính quyền địa phương khi đã cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất sai luật; không làm tốt quy hoạch quỹ đất, đất tái định cư...

Bộ trưởng khẳng định, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các bộ thực hiện tốt hơn công tác rà soát, kiểm tra chuyển nhượng đất đai, song "cũng mong các địa phương cho biết lý do vì sao khó khăn để chúng tôi tháo gỡ".

Liên quan đến quản lý và định giá đất đai, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, đất đai ở chúng ta rất phức tạp nên dù có đến 5 phương pháp định giá đất thì vẫn khó.

"Vấn đề điều chỉnh giá đất đai dựa trên các công cụ kinh tế cần được quan tâm. Giải pháp đấu giá đất đai là tốt nhất. Cần có thông tin thị trường. Vấn đề sốt đất ở 3 đặc khu vừa qua phải dựa vào công cụ kinh tế để xử lý: một người được mua bao nhiêu đất, nếu mua nhiều thì phải tăng giá, tăng thuế lên…", Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, đã là tài sản thì không cho không ai cả. Thậm chí đất nông nghiệp được giao nhưng không sử dụng, để hoang hóa cũng không được.

"Phải khai thác hiệu quả để thu thuế thu nhập, còn nếu không phải thu hồi lại đất. Phải thu thuế sử dụng đất đai để sử dụng hiệu quả", Bộ trưởng nêu ý kiến.

PV/VOV