Giải quyết nhu cầu vật liệu xây dựng đường cao tốc là ưu tiên hàng đầu
Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 11:34, 11/03/2021
Thi công gói thầu XL04 tại cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo. |
Mới đây Đoàn công tác của Bộ Giao thông Vận tải đã làm việc với UBND tỉnh nhằm tháo gỡ các khó khăn trong thi công đường cao tốc. Các nhà thầu đã phản ánh tình hình vật liệu xây dựng khan hiếm, mua bên ngoài với giá thị trường sẽ đội giá thành thi công. BQL dự án cũng đề nghị Bình Thuận bổ sung thêm các mỏ đất chưa có trong quy hoạch vào quy hoạch bổ sung vật liệu xây dựng thông thường sử dụng cho dự án cao tốc Bắc - Nam.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng vừa họp với các ngành liên quan, để bàn việc cung cấp vật liệu đất đắp nền đường cao tốc. Do 2 dự án cao tốc qua Bình Thuận đồng loạt khởi công ngày 30/9/2020 (chiều dài hơn 160 km) nên nhu cầu sử dụng vật liệu rất lớn. Chỉ riêng đất đắp nền đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết cần khoảng 9,2 triệu m3. Khối lượng này trữ lượng các mỏ có thể đáp ứng được, nhưng do đây là vật liệu đắp đường, nhu cầu trước đây thấp, nên công suất cấp phép hàng năm của các mỏ chỉ đáp ứng nhu cầu địa phương, không đáp ứng kịp nhu cầu tăng đột biến do thi công đường cao tốc. Vì vậy cùng với tăng công suất, mở rộng quy mô khai thác các mỏ đã được cấp phép, phải khẩn trương hoàn tất thủ tục các mỏ đã qua đấu giá, đang làm hồ sơ cấp phép, tiếp đến xét tới các mỏ trong và ngoài quy hoạch.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư và nhà thầu phải xem giải quyết nguồn vật liệu phục vụ xây dựng cao tốc là ưu tiên hàng đầu. Các chủ mỏ phải phối hợp tốt với chủ đầu tư, nhà thầu trong cung cấp vật liệu. Sở Xây dựng phối hợp Sở Tài chính có biện pháp kiểm soát giá bán vật liệu phù hợp, tránh tình trạng lợi dụng khan hiếm đẩy giá bán lên cao để trục lợi.
Tiếc rằng thời điểm này hàng triệu tấn xỉ than ở Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân vẫn chưa tận dụng được. Từ năm 2018 lãnh đạo Bình Thuận đã có đề xuất tận dụng khối lượng xỉ than ở Vĩnh Tân làm vật liệu đắp nền đường cao tốc, "nhất cử lưỡng tiện" vừa giảm giá thành, vừa giải quyết các vấn đề môi trường tại địa phương. Nhưng Bộ Giao thông Vận tải chưa đồng ý sử dụng xỉ than cho các dự án cao tốc, có thể do đây là vấn đề quá mới mẻ, trong khi đường cao tốc yêu cầu chất lượng rất cao, nên không thể mạo hiểm.
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu: tuyến cao tốc Bắc - Nam là công trình trọng điểm, nhân dân cả nước theo dõi hàng ngày, đơn vị nào thi công chậm trễ không đạt tiến độ có thể bị phạt, dứt khoát không để các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam chậm tiến độ. Bình Thuận đã nỗ lực trong công tác giải phóng mặt bằng, là tỉnh bàn giao mặt bằng sớm nhất cho các đơn vị thi công, nay đang tiếp tục nỗ lực tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, để bảo đảm tiến độ hai dự án cao tốc qua địa bàn.
Đặng Dũng