Điểm lại những sự kiện nổi bật biển - đảo Việt Nam năm 2015
Xuân 2016 - Ngày đăng : 08:48, 28/01/2016
BT- Từ năm 2013 - 2015, triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử và pháp lý” đã được tổ chức tại 30 tỉnh - thành và 9 điểm đảo, thu hút hàng trăm ngàn lượt người tham quan, tìm hiểu. Qua đó góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa, giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc cho các thế hệ người Việt Nam. Sau khi tổ chức ở trong nước, Chính phủ đã có kế hoạch tổ chức triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam” ở nước ngoài.
Tại Bình Thuận, triển lãm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam tổ chức tại TP Phan Thiết ngày 16/1/2015, tại huyện đảo Phú Quý ngày 18/1/2015.
2. Lễ đặt đá xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma
Ngày 13/3/2015, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, để ghi công 64 liệt sĩ đã hy sinh ngày 14/3/1988 trong trận chiến bảo vệ quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc, góp phần giáo dục lòng yêu nước, ý chí bất khuất của dân tộc Việt Nam. Kinh phí xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma từ nguồn đóng góp của tổ chức công đoàn và công nhân lao động trên cả nước.
3. Trung Quốc tăng tốc xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa
Từ năm 2009, Trung Quốc công bố đường lưỡi bò phi lý, bao phủ hầu hết biển Đông, chồng lấn lên vùng biển các quốc gia như Việt Nam, Philippin… Hơn 1 năm nay (2015), Trung Quốc tăng tốc xây dựng, bồi đắp để biến 6 – 7 bãi đá ngầm ở Trường Sa thành đảo nhân tạo và xây dựng trên đó các công trình kiên cố như đường băng, doanh trại quân sự, bến cảng… Các đảo mà Trung Quốc đang cải tạo gồm: Chữ Thập, Gạc Ma, Châu Viên, Gaven, Xubi… đều thuộc chủ quyền của Việt Nam đã bị Trung Quốc đánh chiếm bằng vũ lực năm 1988. Trong đó, những đảo có vị trí chiến lược như Chữ Thập, Gạc Ma… Dư luận thế giới lo ngại Trung Quốc đang quân sự hóa biển Đông.
4. Hình thành hạm đội tàu ngầm Kilo tinh nhuệ
Năm 2015, Hải quân Việt Nam tiếp tục nhận thêm 2 chiếc tàu ngầm Kilo, mang tên HQ 184 Hải Phòng và HQ 185 Khánh Hòa.
Những chiếc tàu ngầm của Hải quân Việt Nam lần lượt mang tên: Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng, Khánh Hòa… nằm trong hợp đồng Việt Nam ký với Nga năm 2009 gồm 6 chiếc trị giá gần 2 tỷ USD, nhằm xây dựng hạm đội tàu ngầm tinh nhuệ, nâng cao năng lực bảo vệ biển - đảo Tổ quốc. Đơn đặt hàng 6 chiếc tàu ngầm Kilo của Việt Nam sẽ được hoàn thành trong năm 2016.
5. Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam 2015
Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam 2015 với chủ đề “Đại dương khỏe mạnh, hành tinh lành mạnh” do Bộ Tài nguyên & Môi trường phối hợp tỉnh Quảng Ngãi tổ chức nhằm hưởng ứng Ngày môi trường thế giới (5/6) và Ngày đại dương thế giới (8/6). Trong tuần lễ này, tại 28 tỉnh - thành ven biển trên cả nước (trong đó có Bình Thuận) đã diễn ra các hoạt động ra quân làm sạch môi trường bãi biển, trồng cây xanh bảo vệ bờ biển, triển lãm hình ảnh về biển – đảo… Tuần lễ là dịp để Việt Nam khẳng định tiềm lực kinh tế biển, khẳng định ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
6. Hành trình 60 năm giữ biển
Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam (7/5/1955 – 7/5/2015). Trong suốt hành trình 60 năm giữ biển, Hải quân Việt Nam đã lập nên nhiều chiến công vang dội, bảo vệ biển đảo, chống chiến tranh phá hoại miền Bắc, vận chuyển vũ khí chi viện miền Nam, giải phóng biển đảo Tổ quốc.
Ngày nay, Hải quân Việt Nam được trang bị nhiều phương tiện vũ khí hiện đại, được tổ chức thành 5 vùng chiến lược theo chiều dài bờ biển, gồm 5 binh chủng: tàu mặt nước, tàu ngầm, không quân hải quân, pháo tên lửa bờ biển, hải quân đánh bộ - đặc công hải quân và lực lượng phòng thủ đảo. Hải quân Việt Nam là lực lượng nòng cốt bảo vệ chủ quyền biển đảo và thềm lục địa của Tổ quốc.
7. Ra đời những đội tàu khai thác xa bờ
Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản ra đời ngay sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam. Điểm nổi bật của nghị định là chính sách tín dụng hỗ trợ ngư dân đóng tàu công suất lớn, vỏ thép, khai thác xa bờ. 14.000 tỷ đồng tín dụng ưu đãi để thực hiện chương trình này. Sau hơn 1 năm triển khai, ở Bình Thuận có hàng trăm chủ tàu đăng ký, đến nay đã có hàng chục tàu cá hạ thủy bằng vốn vay Nghị định 67. Bình Thuận là một trong các tỉnh dẫn đầu cả nước trong việc giải ngân cho ngư dân vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67.
8. Xây dựng 7 cột cờ chủ quyền Tổ quốc trên các đảo tiền tiêu
Sáng 12/8/2015, tại thôn Triều Dương, xã Tam Thanh, huyện đảo Phú Quý, Bình Thuận, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã khánh thành cột cờ chủ quyền Tổ quốc trên đảo.
Cột cờ chủ quyền Tổ quốc có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước cho tuổi trẻ, góp phần khẳng định chủ quyền Tổ quốc trên biển.
Công trình này nằm trong dự án xây dựng 7 cột cờ chủ quyền Tổ quốc tại các đảo tiền tiêu trải dọc đất nước, do Trung ương Đoàn, Hội Sinh viên Việt Nam phối hợp Ngân hàng cổ phần Thương mại - Đầu tư và Phát triển Việt Nam thực hiện.
9. Mưu đồ độc chiếm biển Đông là không thay đổi
Trong chuyến thăm Việt Nam 2 ngày (5-6/11/2015), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có những lời lẽ hữu hảo, cùng lãnh đạo Việt Nam cam kết kiểm soát tốt bất đồng trên biển Đông, không làm phức tạp thêm tình hình. Hai bên đã ra tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc.
Tuy nhiên, chỉ 1 ngày sau (7/11/2015), tại Singapore, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố rằng các đảo ở biển Đông “Thuộc về nước này từ thời xưa, do cha ông để lại”. Ông Tập còn cho rằng những hòn đảo “của Trung Quốc” trên biển Đông đang bị các quốc gia láng giềng chiếm đóng.
Ngay sau đó, Việt Nam đã phản bác tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng: Chúng tôi yêu cầu các bên tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, không có những lời nói và hành động làm phức tạp thêm tình hình biển Đông.
10. Lợi ích quốc gia, dân tộc là mục tiêu cao nhất
Ngày 18/11/2015, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về giải quyết các tranh chấp trên biển Đông, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng Việt Nam cần phải thực hiện nhất quán 3 quan điểm:
1. Làm hết sức mình tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác bình đẳng cùng phát triển với Trung Quốc.
2. Kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia.
3. Tăng cường quốc phòng an ninh, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng quốc tế về chân lý, lẽ phải của Việt Nam.
Đặng Dũng