Hát bả trạo - nghệ thuật độc đáo cư dân vùng biển

Xuân 2016 - Ngày đăng : 14:06, 26/01/2016

BT- Ngày xưa, tết ở quê em thường có hát bả trạo, do những ngư dân trong dinh vạn tổ chức, cho em hỏi hát bả trạo có nguồn gốc từ địa phương nào, thường được biểu diễn trong những dịp gì? Xin được giới thiệu sơ lược về loại hình nghệ thuật này? (Lê Quang Ánh, phường Mũi Né - TP. Phan Thiết).
                                           
Hát bả trạo trong lễ hội Cầu ngư. Ảnh: Đình    Hòa
   
Lễ hội Cầu ngư. Ảnh: Đình Hòa

Theo tài liệu chúng tôi có được thì hát bả trạo còn gọi là: “Chèo bả trạo, hò đưa linh, hò hầu linh” là một loại dân ca nghi lễ của cư dân ven biển từ Bình Trị Thiên đặc biệt là từ Quảng Nam - Đà Nẵng cho tới Bình Thuận. Hát bả trạo có nghĩa là hát có kèm theo động tác múa (bả = nắm chắc, trạo = mái chèo). Đây là một loại múa hát dân gian được tổ chức theo tục lệ hàng năm hoặc 2 - 3 năm một lần nhân dịp lễ tế cá Ông (hoặc lễ nghinh Ông) còn được trình diễn nhân dịp đưa tang cá Ông (cá voi) và trong các lễ hội cầu mùa của ngư dân. Nội dung hát bả trạo ca ngợi công đức của cá Ông cứu người, giúp đánh bắt được nhiều cá tôm hoặc mô tả quá trình lao động vất vả của ngư dân giữa biển khơi, đồng thời ca ngợi sự giàu có của biển và trên hết là sự đoàn kết của bạn chèo vươn tới cuộc sống ấm no đầy đủ. Có thể nói, hát bả trạo gắn liền với nghi lễ, bởi vì khi tham gia hát bả trạo tất cả mọi người, từ diễn viên đến khán giả đều cầu mong cho sự bình yên, thịnh vượng - từ lòng sùng kính đối với cá Ông. Đây là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian mang tính nghi lễ của ngư dân ven biển, vì vậy trong lễ nghinh Ông, hát bả trạo đóng một vai trò quan trọng thu hút nhiều người tham gia và là một phần của văn hóa dân gian, tuy mang tính nghi lễ nhưng vẫn cung cấp được tài liệu quý báu về phong tục, tập quán và nghệ thuật.

Thành viên của đội hát bả trạo gồm có: Tổng  Mũi, Tổng Khoang và Tổng  Lái  cùng khoảng 10 đến 16 con trạo tùy theo sự tổ chức của từng địa phương, nhưng phải luôn luôn số chẵn.

Về trang phục: Tổng Lái thông thường mặc lễ phục cổ truyền áo dài đen, quần dài trắng, khăn đóng đen. Tổng Mũi cũng ăn mặc giống như Tổng Lái, nhưng cũng có khi Tổng Mũi mặc một bộ đồ màu sắc rực rỡ như một diễn viên tuồng, tay cầm cặp sênh điều khiển. Còn Tổng Khoang mặc áo ba màu, quần ngắn, tay cầm gàu tát nước. Những người tham gia còn lại lập thành đội chèo. Tùy từng địa phương, mỗi đội chèo thường có từ 12 đến 16 người, cũng có khi lên đến 18 hoặc tối đa là 20 người và đặc biệt là số người tham gia đội chèo bao giờ cũng là số chẵn để cho cân xứng và trình diễn dễ dàng hơn. Các con trạo  thì mặc áo trắng, quần trắng (có quấn xà cạp) đầu chít khăn, lưng thắt vải đỏ, chân đi đất, tay cầm mái chèo dài 1m20, sơn đen trắng.

Về nhạc cụ của hát bả trạo có đàn cò, trống, kèn và sênh.

Nghệ thuật trình diễn và hát bả trạo là sự phối hợp nhịp nhàng giữa âm nhạc, lời ca và động tác trình diễn của Tổng Mũi, Tổng Khoang và Tổng Lái cùng đám bạn chèo dưới sự điều khiển thống nhất của Tổng Mũi.

Các dân tộc Việt Nam nói chung, cư dân ven biển nói riêng còn bảo lưu được khá đậm nét yếu tố văn hóa cội nguồn từ tín ngưỡng tục thờ cá Ông trong lễ hội Cầu ngư - hát bả trạo. Suốt quá trình tồn tại và phát triển, họ đã sáng tạo cho mình những giá trị văn hóa phi vật thể chứa đầy “chất biển” luôn phù hợp với mọi điều kiện tự nhiên, môi trường xã hội, đó là: các thế ứng xử, lối sống, phong tục tập quán, lễ hội, tôn giáo tín ngưỡng... mang đậm sắc thái đặc trưng của văn hóa vùng, miền. Từ giá trị nội dung nghệ thuật của lời ca trong từng lối hát - nói, tạo tính “thống nhất cao trong tính đa dạng” của ngôn ngữ, được kết hợp từ các kiểu nói lối, lối hát: Nam, Thán, Phú… trong nghệ thuật sân khấu tuồng truyền thống; các kiểu: hò kéo neo, lý… của dân ca; cũng như sử dụng các làn điệu: tán, kệ… trong âm nhạc Phật giáo, được tiếp biến, kế thừa, sáng tạo và vận dụng, tạo nên sự cá biệt cho một loại hình. Đồng thời mang lại cho nghệ thuật diễn xướng dân gian - hát bả trạo trong Lễ hội cầu Ngư có một phong cách khác biệt, một giá trị nghệ thuật riêng biệt.

Giá trị nội dung của ngôn ngữ bả trạo là một bức tranh tuyệt đẹp, hoàn hảo của người lao động chứa đầy chất lãng mạn, thăng hoa của những người nghệ sĩ “vạn chài” trước cái đẹp, nhưng không kém phần huyền bí, sâu thẳm, mênh mông của biển khơi: thiên giang hữu thủy, thiên giang nguyệt, vạn lý vô vân vạn lý thiên…

 Từ ngữ, ngôn ngữ gốc chữ Hán, chữ Nôm và tiếng Việt (kể cả phương ngữ) được sử dụng đan xen vào nhau trong các lối hát như: “Ác vàng đà khuất núi, Thỏ ngọc ló đầu non. Dặm Tây thiên đường hỡi chon von, dòng Bắc Hải nước còn săn quá… Hoặc: Nguyệt lãng thanh phong dạ khứ hào, minh minh thôi chúc chiếu dương gian”. Và “Còn ở thế như thuyền dồi sóng dập, đã thoát (thác) rồi như bể lặng trời thanh. Dặm Tây thiên trời cũng để dành, miền cực lạc Phật còn làm phước”.

Nội dung bài hát, bổn chèo cổ, bản hò ở mỗi nơi có sửa đổi, thêm bớt khác nhau theo ngôn ngữ, điều kiện sống và sinh hoạt. Tuy nhiên nó vẫn giữ được nét đặc sắc chung, tâm linh của hát bả trạo trong lễ hội Cầu ngư.

Tiểu Sinh