Xa rồi tục thách cưới

Xuân 2016 - Ngày đăng : 13:55, 26/01/2016

BT- Giảm dần và tiến tới xóa bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu là điều mà chính quyền và người dân các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang hướng đến. Trong đó có tục thách cưới - một trong những hủ tục tồn tại lâu đời trong đời sống của đồng bào dân tộc theo chế độ mẫu hệ nói chung và của đồng bào K’ho ở các xã vùng cao Hàm Thuận Bắc nói riêng…
                       
Thi giã gạo.Ảnh: Ngọc Lân

Chuyện cưới xin

3 xã Đông Tiến, Đông Giang, La Dạ của huyện Hàm Thuận Bắc là nơi có đông đảo đồng bào K’ho sinh sống từ lâu đời. Nơi đây dù muốn hay không vẫn còn tồn tại một số phong tục, tập quán lạc hậu, nhất là trong việc cưới xin, tang lễ, ma chay. Thời gian qua, huyện Hàm Thuận Bắc đã phối hợp với chính quyền các xã tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức, cách làm hay có hiệu quả giúp bà con nơi đây có cuộc sống tiến bộ hơn. Đặc biệt là mô hình “Nói không với hủ tục lạc hậu” trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về nói không với thách cưới của người K’ho, già làng B’là ở thôn 2 - xã Đông Tiến tỏ ra khá hồ hởi. Mở đầu câu chuyện, già làng B’là cười vui cho biết, đám cưới của người K’ho ở vùng này bây giờ gần giống với đám cưới của người đồng bằng, nghĩa là cũng có dựng rạp, dàn âm thanh hiện đại để thanh niên nam nữ hát hò, nhảy múa và đương nhiên không thể thiếu đãi tiệc. Nếu ngày xưa đám cưới của người K’ho rất tốn kém, bởi lễ cưới phải diễn ra trong 4 ngày 4 đêm, chia đôi cho hai nhà. Vì theo chế độ mẫu hệ, nên toàn bộ chi phí cho đám cưới đều do nhà gái chi trả, ngoài ra họ còn phải chịu sự thách cưới nặng nề của nhà trai. Lễ vật thách cưới thường là tiền, vàng, khăn đồng la, mền bằng vải thổ cẩm…tùy theo điều kiện kinh tế của nhà gái mà nhà trai sẽ đặt vật thách cưới. Còn ngày nay, đám cưới của bà con đã được rút ngắn, bớt rườm rà và tiết kiệm nhưng vẫn giữ gìn và duy trì nhiều phong tục đẹp của đồng bào.

                                           
Thiếu nữ K’ho. Ảnh: Ngọc Lân
   
Ảnh: Ngọc Lân

 Nói không với thách cưới

Vẫn miên man trong câu chuyện cưới xin của bà con dân tộc mình, già làng B’là còn kể thêm, khi các cô gái người K’ho đã quyết định gắn bó với người đàn ông nào thì sẽ về nhà nhờ cậu của mình mang một ít lễ vật đơn giản đến nhà trai nói chuyện. Nếu được nhà trai đồng ý, nhà gái sẽ trao lễ vật để chuẩn bị tiến tới lễ hỏi. Tại đây, họ sẽ thảo luận với nhau về các lễ vật trong đám cưới. Có nhiều trường hợp, nhà trai thách cưới quá khả năng nhà gái khiến cuộc thảo luận diễn ra căng thẳng, thậm chí nếu không tìm được tiếng nói chung thì đám cưới có thể sẽ bị hủy. Do đó nhiều cặp đôi sống chung với nhau đến lúc có con, có cháu mới tổ chức đám cưới hoặc cũng có khi sống chung với nhau trọn đời không cần tổ chức đám cưới, mà vợ chồng già làng B’là là một điển hình. Ngoài ra, con trai của già làng B’là – anh K’Văn Vỏi đang công tác tại UBND xã Đông Tiến cùng vợ là chị K’Thị Hường kết hôn đã hơn 15 năm, có 3 mặt con mà không cần tổ chức đám cưới theo phong tục, cũng bởi gia cảnh nhà trai, nhà gái đều khó khăn, và đến giờ gia đình anh vẫn sống hạnh phúc. Tuy nhiên cũng có một số gia đình còn quá nặng nề chuyện thách cưới, khiến cuộc hôn nhân của con cái tan vỡ hoặc nếu thành thì cô gái phải mang nợ nần nhiều năm sau mới trả hết, vì đã trót vay mượn để làm của hồi môn “bắt chồng” cho bằng được.

Chị K’Thị Hồm, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đông Tiến cho biết: Trước đây do một số hủ tục cưới hỏi còn nặng nề, nhiêu khê nên hội và chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền, vận động, thuyết phục các gia đình có con em chuẩn bị lập gia đình nên hạn chế các thủ tục lạc hậu trong cưới xin, đặc biệt là vận động bà con “nói không với thách cưới”. Phương pháp tuyên truyền hiệu quả và đơn giản nhất là mỗi khi đi dự đám cưới của các thiếu nữ trong buôn làng, các chị thường kết hợp giải thích, tuyên truyền. Với cách làm mưa dầm thấm lâu ấy, dần dần mọi người đã hiểu ra những hủ tục từ xa xưa chỉ mang lại gánh nặng cho bản thân và con cháu của mình. Nhờ vậy, một số hủ tục lạc hậu như tảo hôn, nối dây, thách cưới… đã giảm đáng kể, các chàng trai, cô gái ngày nay thường tự nguyện tìm hiểu, đến với nhau rồi lên UBND xã làm thủ tục đăng ký kết hôn, có điều kiện thì tổ chức đám cưới đơn giản…

Hồng Trinh