Lê Hồng Văn qua tập sách Thơ văn chọn lọc
Văn học nghệ thuật - Ngày đăng : 09:30, 10/08/2017
Đẹp thì dễ thấy vì nằm ở khâu trình bày từ ruột sách đến bìa sách. Sự trân trọng của tác giả gửi đến bạn đọc thấy rất rõ khi bất cứ ai cầm trên tay cuốn sách này đều phải trầm trồ khen ngợi, cho dù ở một độ dày vừa phải nhưng sức nặng của sách ngoài nội dung còn có bìa cứng bao bọc trong ngoài khá hoành tráng.
Nói về cái hay của nội dung thì phải đọc; may mắn là ngay từ tiêu đề Thơ văn chọn lọc nói lên rất rõ trách nhiệm của tác giả; và tôi càng tâm đắc với hai chữ chọn lọc, vì nếu không chọn lọc thì nhiều năm làm nghề báo của nhà báo Lê Hồng Văn có số lượng bài viết gấp nhiều lần, chứ không phải chỉ 160 trang bao gồm thơ, văn và các thể loại báo chí như ký sự, phóng sự rồi thì thời sự bình luận, xã luận…
Rất dễ thấy trách nhiệm của tác giả nằm trong trách nhiệm của công việc, vì thiếu trách nhiệm công việc thì không thể có những bài như: “Mừng và lo cho thanh long, Lừng khừng là có tội với dân. Đừng chủ quan với đốm nâu; hoặc như Đột phá thanh long rồi thì Để Bình Thuận có sự bứt phá trong đầu tư phát triển… ”.
Nói về văn thơ tôi cũng hơi ngạc nhiên, nhất là mảng văn, ngoài các bút ký như: “Viếng Bác đầu xuân, Tết thời chiến hoặc Trên đường ta đi tới”, Lê Hồng Văn chỉ có một truyện ngắn mang tựa đề Ngôi nhà.
Đọc truyện ngắn này tôi cứ ngẫm nghĩ, nếu Lê Hồng Văn không bận với công việc báo chí, có nhiều thời gian để đầu tư cho thể loại truyện ngắn chắc sẽ thành công lớn.
Với thể loại thơ có thuận lợi hơn về yêu cầu thời gian. Chả thế mà tập sách dày 160 trang thì có gần 60 trang thơ; và thơ của anh là dòng thơ ngợi ca đất nước – con người. Anh rất có ý thức không để mất cơ hội khi được đến những vùng đất xa lạ của Tổ quốc như Pác Bó, Tuyên Quang, Ninh Bình… có lẽ đó cũng là đặc thù của người cầm bút không bao giờ muốn để não rỗng không.
Dòng thơ ngợi ca quê hương, đất nước, con người của Lê Hồng Văn bắt nguồn từ nơi sinh ra lúc còn niên thiếu… “Tình quê hương gắn bó với tuổi thơ/ Xóm nhỏ nghèo mà bạn bè vui quá đỗi/ Cây đa sân trường sớm chiều tụ hội/ Tiếng bóng, tiếng còi nao nức gọi người chơi…” và khi lớn lên:… “Mang hơi ấm quê hương đến những miền xa/ Ta đã chia đều cho trăm miền đất nước/ Những người mẹ người cha bạn bè và tất cả/ Nhận thêm nhiều nỗi nhớ cứ đầy thêm… (Tình quê hương).
Quả là Lê Hồng Văn đã “mang hơi ấm quê hương đến những miền xa”; đến Ngã ba Đồng Lộc đứng trước mộ mười cô anh đã thốt lên: “Thôi đừng nói điều cao siêu hay những lời ủy mỵ/ Hãy đến Ngã ba Đồng Lộc soi vào gương trên mộ mười cô gái/ Sẽ thấy cuộc đời này biết bao nhiêu điều phải làm phải nghĩ/ Xin đừng bao giờ phù phiếm bon chen…”.
Và rồi anh đi tiếp Về Đất Mũi:
Về Đất Mũi thăm nơi Rồng mở cõi
Suốt ba trăm năm chim đậu đất lành
Đất lấn biển như lật từng trang mới
Viết thêm hồn nước Việt thăng hoa.
Dòng thơ ca ngợi quê hương đất nước của Lê Hồng Văn là dòng thơ chủ đạo được nảy sinh từ nghề làm báo của anh: Đi nhiều – gặp nhiều – cảm nhiều và rồi không thể không cầm bút.
Trần Duy Lý