“Việt Nam chiến thắng Covid - Chấm dứt bệnh lao”

Y tế - Ngày đăng : 09:35, 24/03/2021

BT - Người mắc bệnh lao không được chủ động phát hiện sớm. Bệnh sẽ âm thầm kéo dài và lây cho nhiều người. Tuy nhiên, các biện pháp phòng chống lao, song song với phòng chống Covid-19 thì có những điểm tương đồng. 

Tỷ lệ điều trị thành công cao

Bệnh lao là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, dễ lây lan từ người này sang người khác, gây ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng. Thậm chí, bệnh gây tử vong nếu phát hiện muộn. Tại Bình Thuận, tổng số bệnh nhân lao các thể thu dung điều trị là 1.871 người trong năm 2020. Tỷ lệ mắc lao chiếm 152/100.000 dân, cao hơn so với chiến lược quốc gia 131/100.000 dân. So với 9 tỉnh miền Đông Nam bộ, tỷ lệ mắc lao các thể của Bình Thuận đứng vị trí thứ 3, cũng là một trong những tỉnh có tỷ lệ mắc lao tương đối cao trong cả nước. Mặc dù số mắc bệnh lao tại tỉnh còn cao, nhưng tỷ lệ điều trị bệnh lao đạt trên 87%. Cụ thể, điều trị thành công bệnh lao các thể đạt 87,61% và bệnh nhân lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học mới và tái phát thành công 89,06%. Tỷ lệ tử vong do lao trên 100.000 dân là 5,19‰. Hàng năm, tỷ lệ chuyển viện, tỷ lệ tử vong đều giảm. Để có được kết quả ấy, Bệnh viện Phổi Bình Thuận chẩn đoán nhanh, chính xác người bệnh mắc lao và ứng dụng hiệu quả phác đồ điều trị. Đồng thời, mạng lưới chống lao tiếp tục được mở rộng và duy trì tại các xã, phường, thị trấn.

Theo Bệnh viện Phổi Bình Thuận, năm 2020 là năm hết sức khó khăn. Bệnh viện vừa tiếp nhận, hoàn thành cách ly điều trị các trường hợp nghi nhiễm Covid-19, vừa đảm bảo các hoạt động khám và điều trị bệnh nhân lao các thể. Nhìn chung, tỷ lệ mắc của từng nhóm bệnh không có gì thay đổi. Mô hình bệnh tật tại bệnh viện ngày càng đa dạng và phức tạp, ngoài những bệnh liên quan đến chuyên khoa (lao, phổi),  những bệnh nội khoa khác kèm theo có chiều hướng gia tăng, như ung thư, bệnh già suy kiệt, bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường… 

                       
Bác sĩ thực hiện nội soi phổi cho bệnh nhân    tại Bệnh viện Phổi Bình Thuận.

Chủ động phát hiện bệnh lao

Bác sĩ Lê Huy Thuần, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Bình Thuận chia sẻ: “Mặc dù bệnh lao có thể phòng bệnh thông qua tiêm vắc xin, điều trị được bằng thuốc kháng sinh chống lao, nhưng bệnh này giết người thầm lặng nếu không phát hiện sớm. Khi phát hiện sớm, bệnh nhân sẽ được tiếp nhận sự điều trị miễn phí thuốc chống lao. Người mắc bệnh lao được điều trị khỏi bệnh thành công khi tuân thủ đúng phác đồ điều trị và hướng dẫn của thầy thuốc”.

Theo bác sĩ Thuần, người mắc bệnh lao không được chủ động phát hiện sớm, bệnh sẽ âm thầm kéo dài và lây truyền cho nhiều người khác trong cộng đồng. Nếu bệnh được phát hiện sớm, nhân viên y tế chủ động can thiệp cứu sống cho người mắc bệnh, cũng như các biện pháp cắt đứt nguồn lây lan trong cộng đồng nhằm giảm nhanh dịch tễ bệnh lao. Vì thế, bệnh viện phối hợp các trung tâm y tế tuyến huyện, trạm y tế chủ động phát hiện ca mắc lao tiềm ẩn trong cộng đồng.

Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống lao (24/3) năm 2021 là chủ đề “Việt Nam chiến thắng Covid - Chấm dứt bệnh lao”. Thông điệp này nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bệnh lao, các biện pháp phòng chống lao, song song với phòng chống Covid-19 bởi nhiều điểm tương đồng được toàn dân quan tâm. Từ cuộc chiến chống Covid-19, người dân hãy tích cực hơn nữa trong công cuộc phòng chống bệnh lao. Thêm vào đó, xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử người mắc lao, thực hiện tốt công tác chống lao ở tất cả các cơ sở y tế đến cộng đồng bằng nhiều hình thức. Để góp phần bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người dân, chương trình chống lao của tỉnh sẽ tiếp tục bám sát các mục tiêu, phát hiện chủ động bệnh lao trong cộng đồng và ở các đối tượng. Trong đó, hệ thống y tế công - tư phối hợp để tăng cường công tác phòng chống lao…

Trang Minh