Ngày gia đình Việt Nam 28/6: Hãy xây dựng những ngôi nhà không có bạo lực

Xã hội - Ngày đăng : 11:49, 28/06/2018

BT- Hôn nhân gia đình được xem là chuyện khó nói, bởi những ràng buộc về tình cảm làm cho nhiều người dễ mềm lòng và chấp nhận cam chịu. Thật khó khăn để tiếp cận với những trường hợp phụ nữ bị bạo hành, bởi đa số đều ngại kể. Họ thường che giấu và cố chịu đựng, bởi luôn mang tâm lý nếu nói ra thì “xấu chàng hổ thiếp”. Lối suy nghĩ này đã vô tình đẩy người phụ nữ trở thành nạn nhân của những ông chồng nát rượu và vũ phu. Đó là chia sẻ của rất nhiều cán bộ hội phụ nữ cơ sở mà chúng tôi có dịp gặp và hỏi thăm về vấn nạn bạo lực gia đình trên địa bàn. Cũng bởi thế mà trong các báo cáo hàng năm, số vụ bạo hành được xướng lên rất ít, thậm chí không có, cho đến khi những mâu thuẫn gia đình đẩy lên đỉnh điểm thì hậu quả của nó để lại không chỉ ảnh hưởng lớn đến bản thân người bị bạo hành, mà còn tạo ra vết thương sâu cho con trẻ.
                
Tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình    và bình đẳng giới.

Đó là thảm kịch gia đình xảy ra năm 2016 tại ngôi nhà của chị B.T.K. ngụ khu phố 3, phường Phú Hài, TP. Phan Thiết. Đời sống khó khăn, chồng thường xuyên rượu chè, vì thế không ít lần vợ chồng lời qua tiếng lại. Đỉnh điểm vào một ngày tháng 3, trong lúc tức giận, lại có chút men trong người, N.Đ.L đã đổ dầu lên người vợ rồi châm lửa đốt. Hậu quả chị K. bị bỏng lửa độ 2, độ 3 với diện tích chiếm 90% cơ thể. Do vết thương quá nặng, chị K. đã không qua khỏi và hai đứa trẻ giờ đây mồ côi mẹ, còn cha đang chịu sự trừng phạt của pháp luật. Hay vụ án chồng dùng rựa chém nhiều nhát vào người vợ, dẫn đến tử vong, sau đó bản thân tự sát tại xã Đông Hà (Đức Linh) vào đầu năm 2018, mà nguyên nhân cũng do ma men dẫn đường...

Bà Đặng Thị Tình - nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Đức Long (TP Phan Thiết) cho biết: Không ít chị em từng chia sẻ vì có con nhỏ nên ráng cam chịu, được ngày nào hay ngày đó, không muốn để chúng nó không có cha. Một số trường hợp cho rằng chồng mình chỉ chửi, đánh lúc say rượu, còn bình thường thì rất thương vợ con. Theo số liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2017 toàn tỉnh xảy ra 236 vụ BLGĐ, chủ yếu do nam giới gây ra (225 trường hợp), trong đó bạo lực tinh thần 49 vụ, bạo lực thân thể 156 vụ, bạo lực do nguyên nhân kinh tế 29 vụ và bạo lực tình dục 2 vụ.

Vì vậy để xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc đồng nghĩa với việc phải giải quyết triệt để vấn đề bạo lực gia đình (BLGĐ). Ông bà, cha mẹ, người lớn phải nêu gương, bao dung, cảm thông và các thành viên không ngừng yêu thương, chia sẻ. Trong những năm qua, các cấp, ngành trong tỉnh cũng có nhiều hoạt động tích cực, thể hiện sự nỗ lực trong phòng chống BLGĐ và bình đẳng giới như tập huấn, tổ chức hội thi, hội thảo, tọa đàm, giao lưu; biên soạn, in ấn tài liệu, truyền thông tại cộng đồng. Duy trì các câu lạc bộ “Không sinh con thứ ba trở lên”, “Sinh con một bề”, “Nuôi dạy con tốt”, “5 không, 3 sạch”. Thành lập địa chỉ tin cậy để hỗ trợ các trường hợp cần sự giúp đỡ. Đồng thời tuyên truyền, tư vấn hòa giải kịp thời các vụ xung đột, mâu thuẫn trong gia đình, không để bạo hành gia đình kéo dài. Những hoạt động trên còn góp phần trang bị kiến thức, kỹ năng bảo vệ chị em phụ nữ khi bị BLGĐ...   

    
    Đến cuối   năm 2017 toàn tỉnh có 94/127 xã, phường, thị trấn có Ban chỉ đạo mô hình   phòng, chống BLGĐ, 90/706 thôn, khu phố câu lạc bộ gia đình phát triển   bền vững, 240 “Nhóm phòng, chống bạo lực gia đình” ở cơ sở; 398 “Địa chỉ   tin cậy” và 257 “Đường dây nóng” trong mô hình phòng, chống bạo lực gia   đình tại cộng đồng.
 

 THỤC ANH