Khu du lịch cộng đồng Cam Bình (Tân Phước, thị xã La Gi): Hơn cả xấu xí… là sự nhếch nhác!
Xã hội - Ngày đăng : 10:02, 06/07/2018
Biển một bên và hàng quán ăn một bên. |
Vì lẽ đó, cách đây vài năm UBND thị xã La Gi đã hợp đồng với một đơn vị xây dựng, làm thiết kế và xây dựng lại khu du lịch này theo hướng bảo đảm mỹ quan, có tính tới sự chuyên biệt của một số loại hình vui chơi, giải trí và dịch vụ… trong toàn khu. Mong muốn là thế, nhưng tiếc thay quy hoạch, thiết kế của toàn khu du lịch sau đó đã không thực sự khoa học, hợp lý về cảnh quan bởi tầm nhìn của người thiết kế và cả người duyệt quy hoạch, duyệt thiết kế. Đến nay, sau một thời gian hoạt động, khu du lịch cộng đồng Cam Bình bị chính những người kinh doanh, dịch vụ trong khu, phá nát cảnh quan chung bởi tình trạng xây cất, cơi nới loạn xạ, bừa bãi… Hầu như đa số cơ sở kinh doanh ăn uống- nghỉ trọ, đều muốn cơ sở của mình có một không gian riêng nên ra sức xây tường, “rào dậu”, cũng như ra sức chèo kéo khách. Hậu quả tất yếu là, những người trước đây vì nhiều lý do không “thuê” được chỗ kinh doanh trong khu du lịch, muốn có sinh kế đã tràn ra bãi biển mở hàng quán kinh doanh. Một người làm được thì nhiều người làm được, ai cũng “xí phần” một chỗ trên bãi biển, cho dù phần bãi biển ấy từ trước là nơi mà những ngư dân làm nghề câu, đánh cá ven bờ, kéo thúng lên phơi nắng, nghỉ ngơi sau một đêm vất vả trên biển. Đó cũng là nơi mà những người làm nghề ven bờ vá lại lưới, sửa lại máy khi cần thiết…
Bãi biển, nơi những ngư dân sửa lưới sau những chuyến biển bị chiếm làm nơi buôn bán. |
Tình trạng mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy chiếm (không có chữ nào mạnh hơn, xác đáng hơn chữ này - tác giả), đã tạo nên một cảnh tượng không thể nghĩ ra là nó có thể xuất hiện ở một khu du lịch có tổ chức trước đó; có sự tham gia quản lý của chính quyền địa phương, cụ thể là xã Tân Phước. Đó là, người ta chen nhau, giành nhau, bày hàng ăn ra sát mặt nước biển, chỉ cách mặt biển nửa mét. Ai tắm cứ tắm, ai ăn thì cứ ăn và vô tư xả các loại rác xuống bãi cát. Ví thử có một con sóng lớn bất thần ập vô không biết sự việc sẽ như thế nào!? Và, cũng ví thử khi chuyện ấy xảy ra thì chính quyền địa phương nói gì? “Rút kinh nghiệm ư”? Sợi dây kinh nghiệm đã quá dài vì quá nhiều người rút - xin đừng rút nữa! Hình ảnh thứ hai của sự nhếch nhác, đó là, vì hàng quán cứ tràn ra sát mặt nước, nên những người vá lưới, sửa lại thuyền thúng, mặc nhiên bị bao vây, đành phải sửa lại lưới, sửa lại máy trong cái cảnh: người người ở chung quanh, chen nhau đi lại, chân họ móc vào mắt lưới vừa rải ra trên một phần rất nhỏ của bề mặt bãi biển. Hình ảnh nhếch nhác thứ ba, là khu du lịch này còn là nơi bán đủ thứ, từ quần áo đến xe đồ chơi trẻ em… (đa số là hàng Trung Quốc) trên các lối đi từ trong ra ngoài. Nhếch nhác thứ tư là xe cộ đậu loạn xạ. Mỗi cơ sở kinh doanh đều tìm cách xây, rào nơi mình kinh doanh rồi đưa xe vào, nên nhìn đâu cũng có xe đậu, trong khi đó bãi đậu xe của khu du lịch còn rất nhiều chỗ trống. Nhếch nhác thứ năm là, tuy có nhà vệ sinh công cộng ở đầu cổng vào (một thiết kế có phần bất hợp lý, thiếu mỹ quan), nhưng do mạnh ai nấy chiếm, mạnh cơ sở nào đưa xe vào cơ sở nấy, tạo ra rất nhiều góc khuất, nên du khách có thể “xả xì trét” ở mọi góc khuất, phía sau xe… trông cứ như bến xe đò thời bao cấp! Tóm lại, có rất nhiều điều cần phải uốn nắn, chỉnh sửa ở khu du lịch cộng đồng Cam Bình nếu muốn khu du lịch này mỗi ngày thêm tiếng thơm. Trên đây là vài hình ảnh ghi nhận của phóng viên.
Hà Thanh Tú