Khai thác khoáng sản có bị thất thu thuế?
Xã hội - Ngày đăng : 11:10, 20/07/2018
Chưa thấy trốn thuế
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tuấn – Phó cục trưởng Cục thuế cho biết: Công ty Phú Hiệp ở ngoài tỉnh, được tỉnh cấp giấy phép khai thác titan. Do đó về mặt nghĩa vụ thuế công ty này sẽ nộp ở tỉnh Bình Định (thuế doanh nghiệp và thuế GTGT). Đối với Bình Thuận sẽ thu thuế liên quan đến việc cấp quyền khai thác titan. Từ năm 2011, công ty đến khai thác tại Bình Thuận, đóng góp cho ngân sách hơn 80 tỷ đồng. Công ty không hề nợ thuế, chấp hành đầy đủ các khoản thuế. Là công ty vãng lai, do đó Cục thuế tập trung thu thuế tài nguyên, kiểm soát vấn đề liên quan khai thuế. Do đây là loại hình khai thác khoáng sản xuất khẩu, khi kiểm tra, cơ quan thuế kiểm soát tờ khai hải quan (xuất titan ra nước ngoài), và luôn trùng khớp, cho đến giờ chưa thấy thất thu thuế.
Ảnh: Đình Hòa
Tương tự Công ty Đức Cảnh cũng là công ty ở tỉnh ngoài, được cấp giấy phép hoạt động khai thác ti tan. Hiện nay, công ty đã đóng góp vào ngân sách tỉnh tổng tiền là 7,8 tỷ (thuế tài nguyên 2,6 tỷ, thuế bảo vệ môi trường hơn 400 triệu đồng, cấp quyền khai thác khoáng sản hơn 800 triệu đồng, tiến thuế đất hơn 3 tỷ đồng).
Nợ thuế kéo dài, buộc thu hồi giấy phép
Riêng 2 Công ty TNHH vật liệu xây dựng Vĩnh Tân và Công ty Cổ phần đầu tư khai thác khoáng sản Bắc Hà kéo dài nhiều năm liền không nộp thuế, mặc dù việc khai thác đá bán cho các đơn vị khác diễn ra trong nhiều năm, gây hủy hoại môi trường khu vực khai thác tại xã Vĩnh Tân.
Có ý kiến đề nghị cho biết số tiền nợ thuế của 2 Công ty này đến nay là bao nhiêu? Trong nhiều năm liền nợ thuế thì hành vi này đã xử phạt vi phạm hành chính chưa? Biện pháp thu nợ thuế như thế nào trong thời gian tới? Số tiền ký quỹ để phục hồi môi trường của 2 Công ty này là bao nhiêu?
Ông Tuấn cho biết tiếp: Từ năm 2010 – 2015 tổng tiền đã nộp ngân sách của Công ty TNHH vật liệu xây dựng Vĩnh Tân là hơn 18 tỷ (thuế tài nguyên hơn 9 tỷ đồng, GTGT hơn 600 triệu đồng, bảo vệ môi trường hơn 6 tỷ đồng, thuế đất hơn 500 triệu đồng, tiền phạt nộp chậm hơn 1,6 tỷ đồng, thuế muôn bài hơn 18 triệu đồng). Năm 2011 đã có quyết định kiểm tra hoàn thế GTGT và đã xử lý truy thu thuế GTGT hơn 5 triệu đồng và phạt hành chính hơn 2 triệu đồng. Đến năm 2016, đoàn kiểm tra liên ngành gồm Sở TNMT, Sở Kế hoạch Đầu tư, Cục thuế tỉnh và các huyện, xã đã kiểm tra thực tế tại công ty này và cho tạm dừng hoạt động vào tháng 8/2015.
Tình hình nợ thuế cho đến thời điểm này là hơn 22 tỷ đồng và chậm nộp hơn 5 tỷ đồng. Từ năm 2011 cục thuế đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế cho đến năm 2015 tất cả các biện pháp theo quy trình quản lý nợ đã áp dụng hết. Đến tháng 11/2015, Cục thuế đã có văn bản đề nghị Sở KH – ĐT thu hồi giấy phép kinh doanh, đồng thời gửi văn bản về Sở TN – MT đề nghị thu hồi giấy phép khoáng sản theo quy định.
Cho đến nay tỉnh đã có thông báo yêu cầu công ty này phải khắc phục việc thực hiện giấy phép khai thác khoáng sản (nếu không thực hiện sau 90 ngày sẽ thu hồi giấy phép khoáng sản). Hiện nay Cục thuế đang theo dõi công ty này có chấp hành nghĩa vụ thuế hay không, nếu không sau 90 ngày các giấy phép sẽ bị thu hồi.
Tương tự Công ty khai thác khoáng sản Bắc Hà. Hoạt động từ năm 2011, tổng tiền nộp thuế trong 3 năm là 3,2 tỷ đồng. Công ty này đã bị kiểm tra và xử lý truy thu thuế. Năm 2012 bị truy thu hơn 600 triệu đồng thuế GTGT và 900 triệu đồng thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài nguyên hơn 98 triệu đồng và phạt hành chính hơn 400 triệu đồng.Hiện nay công ty này đang nợ hơn 25 tỷ đồng. Cục thuế cũng đã áp dụng các biện pháp như công ty Vĩnh Tân và đề nghị Sở KH – ĐT thu hồi giấy phép và Sở TN- MT thu hồi giấy phép khoáng sản.
K.Ngọc – N.Chinh