Bảo đảm dân chủ, công bằng trong vận động bầu cử
Bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp - Ngày đăng : 08:29, 11/05/2016
Theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân thì có hai hình thức vận động bầu cử mà người ứng cử có thể tiến hành, đó là thông qua hội nghị tiếp xúc cử tri do Ủy ban MTTQ tổ chức và vận động qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Để đảm bảo dân chủ, công bằng, khách quan, hội nghị tiếp xúc cử tri cần chú ý tạo không khí dân chủ, cởi mở; tránh gò ép nhưng cũng không trao đổi vượt ra ngoài mục đích, yêu cầu của hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc. Việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cần bảo đảm để người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND cấp tỉnh có điều kiện tiếp xúc rộng rãi với đại diện cử tri ở các xã, phường, thị trấn thuộc đơn vị bầu cử. Người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện được tiếp xúc rộng rãi với cử tri ở từng xã, phường, thị trấn thuộc đơn vị bầu cử. Người ứng cử HĐND cấp xã được tiếp xúc rộng rãi với cử tri ở từng thôn, bản, tổ dân phố thuộc đơn vị bầu cử.
Đối với hình thức vận động qua các phương tiện thông tin đại chúng, người tham gia ứng cử có điều kiện trình bày về dự kiến chương trình hành động của mình qua trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương nơi ứng cử và trên các trang thông tin điện tử về bầu cử ĐBQH của Hội đồng Bầu cử quốc gia hoặc trang tin điện tử về bầu cử của Ủy ban Bầu cử địa phương. UBND tỉnh có trách nhiệm tổ chức việc đăng tải, thông tin chương trình hành động của người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.
Tuy nhiên để bảo đảm bình đẳng giữa các ứng cử viên trong quá trình vận động bầu cử là việc không đơn giản, nếu không muốn nói là rất khó khăn, nhưng không thể không nỗ lực cao nhất để thực hiện. Bởi vì, đây là yếu tố rất quan trọng bảo đảm chất lượng, hiệu quả của cuộc bầu cử. Để bảo đảm công bằng giữa các ứng cử viên trong quá trình tổ chức vận động bầu cử, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND nghiêm cấm hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử; sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri.
Đối với hình thức vận động qua hội nghị tiếp xúc cử tri, mỗi người ứng cử được dành thời gian trình bày chương trình hành động tương đương nhau và với hình thức vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng quy định tương tự. Các ứng viên có thời lượng trả lời phỏng vấn hoặc trình bày các chương trình hành động của mình như nhau, không có sự phân biệt. Ngoài ra, các tổ chức phụ trách bầu cử và thành viên của tổ chức này không được vận động cho người ứng cử. Đồng thời, các phương tiện thông tin đại chúng cũng không được tự tuyên truyền vận động cho bất kỳ một cá nhân nào. MTTQ Việt Nam và các đoàn thể các cấp cần có kế hoạch tổ chức giám sát chặt chẽ việc này, đồng thời tạo điều kiện cho nhân dân cùng tham gia giám sát, vì có càng nhiều kênh thông tin theo dõi sẽ bảo đảm tốt tính khách quan trong cuộc bầu cử.
Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của dân, do dân và vì dân, vì vậy tất cả đều phải thượng tôn pháp luật. Yêu cầu tối thượng trong bầu cử đó là đúng luật, dân chủ và công bằng. Đối với cử tri, lựa chọn ai, bầu ai cũng rất khách quan. Việc vận động, tuyên truyền và các phương pháp vận động tuyên truyền phải được chuẩn bị tốt, công khai, minh bạch, công bằng. Tất cả chúng ta đều hiểu rằng, cử tri sẽ sáng suốt bầu cho những người có đức, có tài, có tâm, là người sẽ đại diện cho cử tri nói lên tiếng nói của nhân dân, phản ánh tâm tư nguyện vọng của nhân dân và làm việc vì nước, vì dân.
HỒNG LÊ