Thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19: Kích cầu tiêu dùng trong nước
Kinh tế - Ngày đăng : 17:16, 14/05/2021
Thu hoạch thanh long. Ảnh tư liệu Ngọc Lân |
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, bước vào những tháng đầu quý II/2021, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, các hoạt động sản xuất, nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp đã bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là đối tượng doanh nghiệp dịch vụ, doanh nghiệp vừa và nhỏ và quy mô kinh tế hộ. Đối với lĩnh vực xuất khẩu nông sản, một số doanh nghiệp đã chịu ảnh hưởng đến đơn hàng, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng về dịch vụ hậu cần thương mại…
Tham gia ý kiến tại hội nghị, ông Mai Kiều - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Thuận cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2021, Bình Thuận đã tập trung khắc phục những tồn tại, khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Đồng thời tập trung đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng được nhu cầu lương thực, thực phẩm nhằm giảm thiểu những tác động của dịch Covid-19 đang ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh. Đơn cử, trong 4 tháng đầu năm 2021, sản lượng tôm giống và tiêu thụ toàn tỉnh ước đạt 7,02 tỷ post, tăng 5,6% so cùng kỳ; sản lượng khai thác hải sản đạt 16.840 tấn, tăng 0,8% so cùng kỳ. Riêng thị trường tiêu thụ thanh long, hiện tại giá bán đang thấp và có xu hướng giảm so 3 tháng đầu năm… Tỉnh khuyến cáo nông dân bố trí sản xuất thanh long rải vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, tránh tình trạng khủng hoảng thừa cục bộ, giá giảm sâu. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và các thị trường truyền thống khác…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh đề nghị các bộ, ngành Trung ương, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp phối hợp điều chỉnh sản xuất nông nghiệp, tăng cường chế biến, bảo quản lưu thông để linh hoạt thích ứng với bối cảnh dịch Covid-19. Hỗ trợ xúc tiến thương mại nông, lâm, thủy sản, phát triển thị trường nội địa, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động bán lẻ, kinh doanh thực phẩm, hàng nông sản. Đồng thời, tăng cường quản lý nhà nước về thương mại, quản lý thị trường, lưu thông hàng hóa. Lãnh đạo ngành nông nghiệp đề nghị kiên quyết xử lý các hành vi trục lợi, ép giá, gian lận thương mại. Mặt khác, đa dạng các biện pháp phân phối hàng hóa, kích cầu tiêu dùng trong nước để chuẩn bị cho các vụ thu hoạch rau, củ, quả. Đặc biệt, phải bảo đảm thông suốt trong lưu thông vật tư nông nghiệp và nông sản trong thời gian cách ly, ứng phó dịch bệnh…
Kiều Hằng