Làng nghề ở Bình Thuận: Chỉ còn đọng lại vài tên…

Xã hội - Ngày đăng : 09:37, 10/08/2018

BT- Từ xa xưa, Bình Thuận đã hình thành nhiều làng nghề, giúp người dân có nghiệp mưu sinh, ổn định cuộc sống. Thế nhưng qua thời gian, đa số làng nghề tại địa phương chỉ còn lại vài cái tên…
                
Nghề bánh tráng ở Chợ Lầu (Bắc Bình). Ảnh:    Internet

Những làng nghề xưa

Theo một số tài liệu nghiên cứu về làng nghề ở Bình Thuận cho thấy, vùng đất này từ lâu đã xuất hiện  nhiều “làng” nghề thủ công. Đó là,  xóm Lò Bún, xóm Trại Cưa, bến Thợ Mộc (Đức Nghĩa), xóm Bánh Tráng (Phú Trinh), xóm Lò Tĩn (Tiến Lợi) hay vùng đất Ba Hộ (Phú Hài) với nghề chế biến nước mắm nổi tiếng. Còn ở các huyện có xóm Tằm, xóm Lụa (xã Hồng Thái - Bắc Bình), xóm Lò Thổi (xã Hàm Liêm - Hàm Thuận Bắc), làng Lụa (thị trấn Phú Long - Hàm Thuận Bắc), xóm Lò Gạch (xã Gia An - Tánh Linh)…

Trong đó, tiêu biểu có làng nghề chế biến hải sản tại Phan Thiết, làng nghề bánh tráng ở Phú Long (Hàm Thuận Bắc) và Chợ Lầu (Bắc Bình), làng nghề dệt thổ cẩm tại xã La Dạ (Hàm Thuận Bắc) và Phan Thanh (Bắc Bình), làng nghề gốm gọ Bình Đức (Bắc Bình), làng nghề mía đường ở Hàm Tân, làng nghề đan lát hàng thủ công mỹ nghệ Tân Phúc (Hàm Tân) và Đông Hà (Đức Linh). Riêng những làng nghề gạch ngói thủ công tập trung tại huyện Tánh Linh và Hàm Thuận Nam, những năm qua đã chủ động di dời hoặc chuyển đổi sang đầu tư lò gạch hoffman, tuynel. 

Chỉ còn đọng lại vài tên…

Tính đến hiện nay, Bình Thuận chỉ có 5 làng nghề đang hoạt động được UBND tỉnh công nhận, gồm: Làng nghề bánh tráng Phú Long, làng nghề bánh tráng Chợ Lầu, làng nghề đan lát hàng thủ công mỹ nghệ xã Đông Hà, làng nghề mía đường Tân Phúc và làng nghề gốm gọ Bình Đức. Dù vậy qua mười mấy năm kể từ khi được công nhận (từ 2003 - 2007), tình hình sản xuất - kinh doanh của các làng nghề vừa nêu luôn gặp khó khăn, có trường hợp đã ngưng hoạt động hay hoạt động cầm chừng. Nguyên nhân, thị trường tiêu thụ sản phẩm ngày càng bị thu hẹp mặc dù các làng nghề có cố gắng duy trì hoạt động; kêu gọi doanh nghiệp liên kết phát triển sản xuất nhưng vẫn chưa đem lại kết quả.

Chính vì vậy mới đây, UBND tỉnh vừa gởi báo cáo cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về danh mục làng nghề cần bảo tồn lâu dài tại Bình Thuận; cũng như đề nghị hỗ trợ cơ chế, chính sách và nguồn vốn giúp 4 làng nghề tồn tại và phát triển bền vững trong thời gian tới. Cụ thể: Làng nghề bánh tráng Phú Long (Hàm Thuận Bắc) quy mô 4,5 ha/60 hộ sản xuất; làng nghề bánh tráng Chợ Lầu (Bắc Bình) có quy mô 60 cơ sở tham gia; làng nghề gốm gọ Bình Đức (Bắc Bình) quy mô 40 hộ/40 cơ sở sản xuất; làng nghề đan lát hàng thủ công mỹ nghệ xã Đông Hà (Đức Linh) dự kiến sẽ mở rộng thu hút hơn 1.000 lao động tham gia…

Gìn giữ và bảo tồn các làng nghề là cần thiết, tuy nhiên ngoài cơ chế chính sách và nguồn vốn thì địa phương cũng phải tính đến hỗ trợ về đổi mới thiết bị công nghệ hiện đại nhằm cải thiện mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Có như vậy làng nghề nông thôn tại Bình Thuận mới dần khởi sắc, thu hút lao động và tăng thu nhập cho người lao động cũng như khuyến khích liên kết hợp tác đầu tư đem lại hiệu quả trong sản xuất - kinh doanh.

QUỐC TÍN