Câu chuyện “lời hứa”
Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 08:43, 25/05/2021
Ngày 23/5/2021, ngày diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã trôi qua, có thể khẳng định cuộc bầu cử thành công trên cả mong đợi trong điều kiện cả nước vừa tổ chức bầu cử, vừa phải phòng chống dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và lây lan trên diện rộng. Thời điểm này, toàn dân đang hướng về kết quả chọn lựa của cử tri đối với những đại biểu sẽ thay mặt nhân dân, thực hiện nhiệm vụ tại các cơ quan quyền lực của Nhà nước trong nhiệm kỳ mới. Bên cạnh đó, trong lòng mọi người có chung một mong muốn người mình chọn lựa thực hiện lời hứa trong quá trình tranh cử.
Trở lại 75 năm trước, ngày 6/1/1946, trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, hơn 98% cử tri đã bầu chọn Chủ tịch Hồ Chí Minh làm ĐBQH, số phiếu có thể nói gần như tuyệt đối là minh chứng niềm tin to lớn của cử tri dành cho Bác. Tại lễ nhậm chức sau cuộc Tổng tuyển cử, thay mặt Chính phủ, Bác hứa với đồng bào cả nước sẽ làm hết sức mình vì độc lập, tự do và hạnh phúc của dân tộc. Và Bác đã thực hiện trọn vẹn lời hứa của mình. Sau này, trong bài nói chuyện với đồng bào thủ đô, Bác nói rõ hơn về phẩm chất của người ĐBQH. "Tất cả ĐBQH hứa với đồng bào là được cử vào Quốc hội để làm ĐBQH, không phải là để làm quan, không phải để ngồi trên, ăn trốc mà là người đầy tớ tuyệt đối trung thành của đồng bào… Quốc hội phải có những đại biểu thật xứng đáng, những đại biểu một lòng, một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội chủ nghĩa… Nhân dân có quyền bãi miễn ĐBQH, đại biểu HĐND nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với tín nhiệm của nhân dân". Tức là, đã hứa với nhân dân những gì thì phải làm cho kỳ được. Điều đó có nghĩa là người cán bộ không chỉ giữ chữ tín với nhân dân mà còn tạo dựng hình ảnh đẹp của bản thân trước nhân dân. Không dừng lại ở đó, có những điều tuy không hứa nhưng người cán bộ cũng phải nỗ lực thực hiện, như phải luôn rèn luyện về phẩm chất, đạo đức, phải luôn phấn đấu học tập, nâng cao trình độ, luôn trung thành với Tổ quốc… Làm được điều đó, người cán bộ đó đồng thời tạo ra hình mẫu về tấm gương tận tụy với nhân dân của cán bộ, đảng viên nói chung. Bên cạnh đó, việc giữ lời hứa là yêu cầu "nói đi đôi với làm", có nghĩa là lời nói và hành động phải nhất quán nhau, nói sao làm vậy, nói hay thì phải làm cho hay, thậm chí nói ít làm nhiều chứ không phải nói xong bỏ đấy hay nói một đàng làm một nẻo…
Thời điểm này, các tầng lớp nhân dân đang mong chờ kết quả của cuộc bầu cử, cùng với đó, mọi người cũng đang điểm lại các chương trình hành động của các ứng cử viên trình bày trước cử tri. Những chương trình đó, đều là những mục tiêu, phương hướng mà các ứng cử viên đưa ra trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và lĩnh vực nghề nghiệp của mình. Tất cả đều hứa “nếu được cử tri tín nhiệm bầu, sẽ…” cũng như “nếu không trúng cử, sẽ…”. Do vậy, sau bầu cử, điều cử tri mong chờ nhất không chỉ là kết quả ai trúng, ai không trúng mà điều cử tri mong muốn nhất là những lời hứa họ đặt niềm tin được các ứng cử viên trúng cử cụ thể hóa thành hiện thực. Kết quả cuộc bầu cử sẽ được công bố trong nay, mai. Sẽ có người trúng cử, cùng với đó sẽ có những người không trúng cử. Song tựu trung lại, những ứng cử viên được hiệp thương vào danh sách bầu cử đều là những người ưu tú trên mọi lĩnh vực. Những lời hứa của các ứng cử viên trước cử tri đều rất khả thi và sẽ mang lại những kết quả tích cực nếu họ thật sự quyết tâm thực hiện dù họ có trúng cử hay không. Do vậy, câu chuyện về “lời hứa trước nhân dân” được đặt ra không chỉ dành cho những người trúng cử. Song người trúng cử càng phải trân trọng niềm tin của cử tri dành cho mình, phải giữ trọn vẹn niềm tin ấy bằng tất cả sự tôn trọng lời hứa của mình, bằng cách thực hiện cho được những lời đã hứa trước cử tri.
Huy Toàn