Vụ vỡ huê ở chợ Ma Lâm: Vì sao lên đến hơn 20 tỷ đồng?
Xã hội - Ngày đăng : 08:26, 17/10/2018
Hơn 20 ngày nay, kể từ hôm chủ huê hụi Nguyễn Thị C. thường trú tại thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc thông báo mất khả năng chi trả với tổng số tiền hơn 20 tỷ đồng, cả chợ Ma Lâm lòng người xao xác như vừa trải qua cơn bão. Đi đến đâu trong chợ cũng nghe chuyện bị giật tiền, người ít cũng 20 - 30 triệu đồng, người nhiều bị đến tiền tỷ; chuyện gia đình xào xáo… Cũng dễ hiểu, thời điểm này đã là đầu tháng 9 ÂL, nếu mọi khâu huê đều ổn như mấy năm trước, bây giờ là lúc các tiểu thương chuẩn bị hốt tiền để bắt đầu trữ hàng bán dịp tết sắp tới. Thế mà… Các tiểu thương ức nhất, vì người lừa họ hàng ngày ở bộ dạng “cắn cơm không bể”, thật thà, không hình thức; thêm nữa, có chồng là thầy giáo ở một trường trung học tại huyện, gia đình có đầu tư cơ sở nước uống đóng chai. Ngoài ra, mối làm ăn đã kéo dài gần chục năm nay, chưa xảy ra chuyện gì, vì thế đã tạo ra sự tin tưởng gần như tuyệt đối với tiểu thương chợ Ma Lâm. Để rồi bây giờ cả 100 tiểu thương mới hiểu ra những chiêu “gom tiền” của chủ huê hụi này.
Lợi dụng các tiểu thương không kiểm tra người chơi trong cùng dây huê nên cứ tới tháng, chủ huê hụi này thông báo, huê sổ 400.000 đồng, là những người trong dây huê đó đóng số tiền chơi định trước trừ đi 400.000 đồng, ví dụ chơi dây huê 3 triệu đồng thì đóng 2,6 triệu đồng mà không hề kiểm tra ai trúng huê tháng đó. Trong khi hầu hết tiểu thương đều muốn hốt chót, tức gần thời điểm trữ hàng tết, để có được chút tiền lãi, lại đúng thời điểm đáp ứng nhu cầu kinh doanh của mình. Vì thế, những tháng đầu tiên ấy có thể không có ai hốt và chủ huê hụi tự thu hết những khoản tiền đó cho riêng mình. Mà ở chợ Ma Lâm có trên dưới 30 dây huê, phần lớn là do bà C. làm chủ và nhiều tiểu thương cùng một lúc chơi nhiều dây huê, thành ra khi vỡ đã nhân lên con số hơn 20 tỷ đồng. Không ai ngờ ở một ngôi chợ thị trấn lại có số nợ vỡ nhiều đến chừng ấy.
Không chỉ thế, một số tiểu thương có vốn nhiều đã chơi dạng huê choàng, hòng mong kiếm được nhiều tiền lời cũng góp phần đưa số tiền vỡ hụi kia lên cao hơn. Đó là chủ huê nói khống số người chơi trong đường dây, chẳng hạn chỉ có 5 người nhưng nâng lên 15 người, có nghĩa có 10 người ảo. Chủ huê biết ai có nhiều tiền sẽ đề nghị choàng, có nghĩa đóng tiền huê cho 10 người kia để hàng tháng lấy luôn phần lời của 10 người rồi hốt chốt nguyên gốc lẫn lãi. Ví dụ, chơi huê 3 triệu đồng, tháng đó huê sổ 500.000 đồng, người choàng huê trên sẽ đóng phần của mình là 2,5 triệu đồng cùng 25 triệu đồng tiền gốc của 10 người kia. Trước mắt đã thấy lợi thu về 7,5 triệu đồng, rồi 10 tháng sau đó, cứ tới tháng lại tiếp tục thu lãi của phần mình và 10 người ảo kia nữa, tùy vào chủ huê báo huê trúng bao nhiêu. Và theo kế hoạch tháng cuối cùng, sẽ hốt chốt tiền choàng huê 30 triệu đồng, nhưng nhiều người ở chợ này mất trắng vào phút chốt ấy.
Chưa hết, không ít người tại chợ còn chơi huê ngày, sổ huê theo tháng theo cách gom tiền với con số lớn và mức lãi cũng cực kỳ hấp dẫn, lại nhanh và tiện lợi khiến các tiểu thương “say” trong những dây huê mà không hề chú ý rất gần đó có Quỹ tín dụng Ma Lâm, có chi nhánh ngân hàng nông nghiệp Hàm Thuận Bắc cũng ráo riết huy động vốn, cũng quà tặng hấp dẫn. Nhưng đâu chỉ tiểu thương trong chợ, dân có tiền, một số làm công chức nhà nước cũng lóa mắt với khoản tiền lãi chủ hụi này trả liền tay khi cho mượn nên không ít người sẵn sàng đưa tiền tỷ rồi lại thế chấp nhà, đi mượn tiền giùm cho bà C. Kết cục, giờ mất trắng.
Chuyện vỡ hụi không mới ở tỉnh, cứ lâu lâu lại có một vụ nhưng với địa bàn Hàm Thuận Bắc, thì đây là vụ vỡ hụi lớn nhất. Những ngày qua, đơn thư kiện tụng gửi đến các cơ quan chức năng huyện này nhiều. Trước sau gì cũng có hướng giải quyết, chẳng hạn chủ hụi C. hứa 10 năm sau sẽ trả hết nợ. Nhưng qua đó cho thấy sự tin tưởng, không kiểm tra để phát hiện kịp lúc mánh khóe chủ hụi của các tiểu thương chợ Ma Lâm là bài học cho những ai đang tham gia chơi huê hụi.
Bích NghỊ