Gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với xuất khẩu thủy sản vào châu Âu – Những vấn đề cần quan tâm
Xã hội - Ngày đăng : 10:57, 01/11/2018
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời: IUU là từ viết tắt của một chế tài do EU đưa ra vào năm 2010. Đây là một công cụ thương mại hướng các nước muốn xuất khẩu thủy sản vào EU phải tuân thủ tiêu chuẩn của EU. IUU có 2 mức, “thẻ vàng” và “thẻ đỏ”.
“Thẻ vàng” là sự cảnh báo với các nước muốn xuất khẩu thủy sản vào EU phải tuân thủ đúng các quy định của EU. Nếu không tuân thủ, qua giai đoạn “thẻ vàng” sẽ bị áp dụng “thẻ đỏ”. Khi bị áp dụng “thẻ đỏ”, nghĩa là EU cấm nhập khẩu thủy sản từ nước đó.
Việt Nam bị EU áp dụng “thẻ vàng” từ ngày 23/10/2017. 9 khuyến nghị của EU đều phù hợp với mục tiêu xây dựng nghề cá bền vững và Việt Nam phải chấn chỉnh lại nghề cá nhân dân với 1 triệu lao động, 109.000 tàu thuyền với những vùng khai thác tự phát, gần bờ có thể gây cạn kiệt tài nguyên. 9 nhóm nội dung khuyến nghị của EU đã được lồng cơ bản vào Luật Thủy sản (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2017, gần 1 tháng sau khi thủy sản Việt Nam bị EU áp dụng “thẻ vàng”.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một chương trình hành động để tháo gỡ “thẻ vàng” do EU áp dụng. Theo đó, tất cả 28 tỉnh duyên hải, các bộ, ban, ngành, doanh nghiệp, ngư dân đều có trách nhiệm tham gia. Chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm không để ngư dân đánh bắt sai phạm ở ngoài vùng biển quy định của Việt Nam. Sau khi đánh bắt về, ngư dân phải khai báo với cảng cá và cơ quan quản lý khai thác thủy sản cấp tỉnh.
Kết quả thực hiện cho thấy, đến nay, Việt Nam không có vụ vi phạm nào về việc khai thác thủy sản ngoài vùng biển của Việt Nam ở khu vực các quốc đảo Thái Bình Dương. Tuy vậy, ở khu vực biển phía Nam vẫn còn một số vụ vi phạm. Một phần ngư dân vẫn không tuân thủ việc khai báo. Thủ tục này làm thay đổi hẳn một tập quán, nên người dân vẫn chưa quen.
Cơ sở vật chất khu neo đậu, bến cảng vẫn chưa đáp ứng được cho những mục tiêu quản lý bền vững.
Tháng 5/2018, EU đã cử một đoàn cán bộ kỹ thuật sang Việt Nam tổ chức giám sát. Họ đã nêu ra 5 nội dung còn tồn tại mà Việt Nam cần tập trung khắc phục.
Hiện nay, EU đang cử một đoàn gồm 7 nghị sĩ của Ủy ban Nghề cá của Nghị viện châu Âu (EP) do Nghị sĩ-Người phát ngôn EP Mato Gabriel dẫn đầu sang làm việc với Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã tiếp đoàn. Phía bạn đã ghi nhận nỗ lực của Việt Nam, đồng thời thừa nhận, việc khắc phục các vấn đề còn tồn tại cần một quá trình bởi khó thay đổi thói quen của 1 triệu lao động, hay chuyển đổi cơ sở vật chất cũng không thể làm nhanh. Trong cả 2 cuộc tiếp, lãnh đạo nước ta đều đề nghị Nghị viện châu Âu, Ủy ban châu Âu ủng hộ và sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.
“Bao giờ EU rút “thẻ vàng” thì chúng ta rất mong muốn, nhưng phải chờ kết quả và phải chờ nỗ lực cụ thể của phía chúng ta”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Khắc Điều