Kích cầu tiêu thụ thanh long chính vụ
Kinh tế - Ngày đăng : 09:25, 09/06/2021
Thị trường bán lẻ
Cùng với các loại nông sản khác, tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại đã ảnh hưởng tiêu thụ mặt hàng thanh long trên địa bàn tỉnh. Đến thời điểm này, phần lớn các cơ sở thu mua thanh long tại Bình Thuận đã ngừng thu mua. Ngoài ra, các đơn vị thu mua xuất khẩu có các công ty tại thành phố Hồ Chí Minh cũng đã giảm đặt hàng. Dẫn đến một số hợp tác xã có rất ít đơn hàng, khiến khó khăn càng chồng chất đối với người trồng thanh long.
Có lẽ, hy vọng của người trồng thanh long trong thời điểm này là tiêu thụ qua hình thức biên mậu và tiêu thụ trong nước. Qua nắm thông tin sơ bộ từ các doanh nghiệp, việc lưu thông xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang diễn ra bình thường. Tuy nhiên, việc kiểm soát dịch Covid-19 được siết chặt và mất nhiều thời gian hơn.
Ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, hiện một số đơn vị đang tiến hành thu mua, tiêu thụ thanh long của tỉnh Bình Thuận, như hệ thống Big C Việt Nam, Co.op mart, Lotte Việt Nam, Công ty TNHH Bán lẻ BRG (Hà Nội) lấy hàng trực tiếp từ doanh nghiệp, HTX của Bình Thuận. Ngoài ra, một số đơn vị lấy hàng từ đơn vị cung cấp trung gian như tập đoàn Vingroup, Công ty TNHH Aeon Việt Nam (Hà Nội). Một số doanh nghiệp, HTX chở hàng ra phía Bắc tiêu thụ trực tiếp tại chợ Long Biên… Dù chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của nông dân, tuy nhiên đây là một trong những giải pháp cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản
Cũng theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, do đại dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, phía Trung Quốc siết chặt kiểm soát tại các cửa khẩu phía Bắc. Vì vậy, dự báo trong thời gian tới, tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh sẽ bị ảnh hưởng rất lớn, đặc biệt là các sản phẩm lợi thế của tỉnh như trái thanh long tươi. Do đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã đề nghị Sở Công Thương và các đơn vị liên quan thường xuyên thu thập thông tin tình hình thị trường tiêu thụ, giá cả thanh long, để kịp thời cung cấp thông tin cho người dân có kế hoạch sản xuất phù hợp. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư liên kết với nông dân trong chuỗi giá trị.
Cần thiết phải xây dựng các giải pháp giúp ổn định thị trường giá cả tiêu thụ, không để tiểu thương ép giá, dư nguồn cung thanh long, ùn ứ gây thiệt hại cho người trồng, các hộ sản xuất thanh long. Mặt khác, vận động doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cơ sở thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu thanh long trên địa bàn tỉnh dự trữ hàng trong kho lạnh để xuất khẩu chính ngạch, tiêu thụ nội địa và chuẩn bị xuất khẩu tiểu ngạch khi các cửa khẩu biên mậu hoạt động trở lại. Làm sao để vừa đẩy mạnh sản phẩm nguồn cung trong nước, vừa thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu cả ở thị trường truyền thống và cả thị trường mới, nhiều tiềm năng. Đồng thời, có các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến bán hàng trên thị trường nội địa, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với các HTX tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước.
Để tháo gỡ khó khăn trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ngành nông nghiệp tỉnh cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ Bình Thuận đưa sản phẩm thanh long tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử; tạo điều kiện cho việc thông quan thanh long của tỉnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc được thuận lợi; thông thoáng về thủ tục hành chính và kho bãi nơi cửa khẩu…
Toàn tỉnh hiện có khoảng 33.750 ha thanh long. Trong đó, diện tích thanh long được chứng nhận VietGAP 11.936 ha, GlobalGAP 517 ha. Thời điểm hiện tại đang vào mùa thu hoạch chính, do đó dự kiến sản lượng thu hoạch tháng 6/2021 là 49.600 tấn, tháng 7/2021 là 30.400 tấn. |
KiỀu HẰng